Công tác tuyên truyền tạo sự chuyển biến trong chấp hành pháp luật trên biển

Sáng 19/5, tại Hội nghị sơ kết 3 năm (2019 – 2021) thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam, giai đoạn 2019 - 2023” diễn ra ở Hà Nội, Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển cho biết: Với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam đã tạo sự chuyển biến tích cực trong chấp hành pháp luật trên biển, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chú thích ảnh
Hội nghị sơ kết diễn ra tại hội trường Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và kết nối tới 44 điểm cầu trong cả nước. 

Trình bày báo cáo kết quả 3 năm thực hiện, Thiếu tướng Bùi Quốc Oai khẳng định: Đề án luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các ban, bộ ngành Trung ương. Đề án đã góp phần nâng cao một bước về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đặc biệt trong xây dựng, bảo vệ an ninh chủ quyền, trật tự an toàn biển đảo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; động viên ngư dân hăng hái vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; đồng thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị về biển, đảo Việt Nam.

Kết quả nổi bật trong công tác phối hợp tuyên truyền là Bộ Tư lệnh CSB đã tham mưu với Bộ Quốc phòng và chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tốt Hội nghị tập huấn Luật CSB Việt Nam cấp toàn quốc, làm cơ sở để thống nhất nội dung, phương pháp tuyên truyền trên phạm vi cả nước. Đồng thời, Bộ tư lệnh CSB chủ trì phối hợp với Bộ Tư lệnh 86; Vụ Pháp chế/Bộ Quốc phòng; Bộ Thông tin và Truyền thông; Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội cùng các ban, bộ, ngành, địa phương tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Tìm hiểu Luật CSB Việt Nam”.

Cùng với đó, Bộ Tư lệnh CSB và các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với hơn 30 cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương, các nền tảng mạng xã hội, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các ban, ngành, địa phương... tổ chức mở mới nhiều chuyên trang, chuyên mục, xây dựng nhiều chương trình, tăng thời lượng phát sóng, đăng tải kịp thời hơn 2.000 tin, bài; hơn 40 phóng sự, phim tài liệu, gần 300 video clip, chương trình phát thanh để tuyên truyền, phổ biến Luật CSB Việt Nam và kết quả triển khai thi hành luật, kết quả thực hiện đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở...

“Hiện các quy định của luật từng bước ăn sâu, bén rễ trong đời sống xã hội, tạo chuyển biến tích cực trong chấp hành pháp luật trên biển; nâng cao một bước về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân; làm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSB, từ đó tích cực chung sức, đồng lòng cùng CSB và các lực lượng chức năng trên biển thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biển, đảo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn cho các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Chính ủy CSB khẳng định.

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo sẽ diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, tác động, ảnh hưởng xấu tới kinh tế, chính trị thế giới; tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến hòa bình, ổn định khu vực. Trong nước, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tiếp tục đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội với nhiều thủ đoạn tinh vi, công khai và quyết liệt hơn... Công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền, duy trì thực thi pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên các vùng biển ngày càng phức tạp.

Theo Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, năm 2022 và những năm tiếp theo, các nhiệm vụ giải pháp cơ bản sẽ được thống nhất nhằm triển khai hiệu quả hơn nữa Đề án; đồng thời có những kiến nghị, đề xuất cụ thể, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến cho các bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tầng lớp nhân dân ở 28 tỉnh, thành phố có biển; các lực lượng chức năng thuộc ban, bộ, ngành, đơn vị, lực lượng vũ trang có liên quan; tăng cường cơ chế phối hợp, việc phân công giao nhiệm vụ cho cơ quan chủ trì tham mưu đề xuất và xác định trách nhiệm triển khai Đề án ở cấp địa phương; nâng cao hiệu quả tuyên truyền đối với ngư dân trực tiếp khai thác trên biển bởi họ thường xuyên đi biển dài ngày, phân tán, hạn chế về tiếp cận thông tin, truyền thông; chủ động hơn nữa việc xây dựng kế hoạch triền khai cụ thể dự toán kinh phí...

Đại diện CSB Việt Nam kiến nghị: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; phát huy hơn nữa vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, Internet, mạng xã hội, các thiết chế văn hóa – thông tin cơ sở; tăng cường số lượng, thời lượng các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến Luật; sử dụng hiệu quả các hình thức sân khấu hóa, tổ chức các cuộc thi (khuyến khích địa phương tự xây dựng, người dân tham gia diễn xuất); đưa nội dung tuyên truyền Luật vào hoạt động của các câu lạc bộ, trung tâm tư vấn pháp luật ở các địa phương; củng cố hệ thống tủ sách pháp luật, đảm bảo có đủ các tài liệu, sách báo pháp luật để cán bộ, đảng viên và nhân dân tự học; nghiên cứu và phát huy mô hình sáng kiến “Túi sách pháp luật đi biển” cho ngư dân khi khai thác các nguồn lợi thủy, hải sản trên biển.

 

Chú thích ảnh
Đại diện báo Tin tức chia sẻ kinh nghiệm phối hợp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về Luật Cảnh sát biển tại hội nghị. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Ngọc Tú, Phó Tổng biên tập báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) cho biết: Báo Tin tức đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đa dạng các loại hình về  Luật CSB Việt Nam trên các sản phẩm thông tin gồm báo điện tử baotintuc.vn, báo Tuần Tin tức, Chuyên đề Dân tộc Thiểu số và miền núi. Trong 3 năm (2019 – 2021), báo Tin tức đã đăng tải hơn 700 tin, bài; trên 600 ảnh đơn và phóng sự ảnh tuyên truyền về lực lượng CSB trên các ấn phẩm của báo, trong đó có tới 70% là bài viết các thể loại, còn lại là tin và ảnh, video, bài Megastory… Mục “Hỏi- đáp Luật CSB Việt Nam” có hơn 100 tin, bài được đăng tải, thu hút nhiều bạn đọc quan tâm.

Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong gần 2 năm qua, đặc biệt năm 2021, nhưng dưới sự chỉ đạo của Ban Biên tập báo Tin tức, các phóng viên báo Tin tức vẫn bám sát mọi hoạt động của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh CSB, các cơ quan đơn vị; Bộ Tư lệnh Vùng CSB 1, 2, 3, 4…Nhờ vậy mọi hoạt động của CSB vẫn được tuyên truyền đầy đủ với hàm lượng thông tin cao cổ vũ cho Chương trình dân vận “CSB đồng hành với ngư dân”; “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Đặc biệt khi có những thông tin nóng của toàn lực lượng triệt phá các vụ án ma túy, buôn lậu và gian lận thương mại, cứu giúp ngư dân trên biển; tuyên truyền cổ vũ những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ ngư dân, nhân dân phòng chống COVID-19, ứng cứu với lũ lụt ở miền Trung, phòng chống cháy rừng, cứu hộ, cứu nạn… được thông tin nhanh chóng trên báo Tin tức, lan tỏa trong lòng bạn đọc, được dư luận đánh giá cao.

Kết luận Hội nghị, Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Đối với một quốc gia ven biển, có vùng biển rộng, bờ biển dài hơn 3.200 km như Việt Nam, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ biển, thực thi pháp luật trên biển nói chung, tuyên truyền Luật CSB nói riêng là nhiệm vụ quan trọng lâu dài, cần phải được tiến hành thường xuyên. Vì vậy, Ban Chỉ đạo Đề án các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án trên phạm vi cả nước, trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân ở 28 tỉnh, thành phố ven biển và các lực lượng vũ trang, lực lượng chức năng thuộc các bộ, ban, ngành có liên quan đến biển.

Trong thời gian tới, các bộ, ban ngành, các tỉnh, thành phố, các đơn vị quân đội cần tăng cường chỉ đạo đơn vị thuộc quyền tiếp tục triển khai đồng bộ hơn; chủ động phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền. “Đổi mới, đa dạng các hình thức thông tin; phát huy tối đa tác dụng của hệ thống thông tin cơ sở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội vào việc tuyên truyền; phổ biến những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả và biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Đề án…Qua đó, thiết thực và nhanh chóng đưa Luật CSB Việt Nam đi vào cuộc sống, góp phần tích cực vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam”, Thượng tướng Võ Minh Lương chỉ đạo.

Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Cảnh sát Biển phát hiện tàu chở 100.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc
Cảnh sát Biển phát hiện tàu chở 100.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc

Vùng Cảnh sát Biển 3 (đóng tại thành phố Vũng Tàu) cho biết, sáng 17/5, lực lượng chức năng thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam đã đưa tàu cá tỉnh Tiền Giang số hiệu TG 91678 TS chở khoảng 100.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc về tới cảng của Hải đội 33 tại Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN