Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Truyền máu - Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, để công tác tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ và cung ứng máu ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại hơn, từ năm 2023, Bộ Y tế đã phê duyệt cho phép Trung tâm cải tạo 6 hạng mục chính. Việc cải tạo công trình nhằm đảm bảo quy trình tiếp nhận, lưu trữ, bảo quản máu được an toàn. Trước đó, Trung tâm cũng đã tiếp nhận hệ thống xét nghiệm tự động Cobass 6800 do Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tài trợ.
“Trong tương lai, Trung tâm sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, tự động hoá hoàn toàn hệ thống xét nghiệm, không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng nguồn máu cung ứng cho các bệnh viện”, Giám đốc Trung tâm Truyền máu Trần Thanh Tùng chia sẻ.
Trung tâm Truyền máu - Bệnh viện Chợ Rẫy được thành lập năm 2002, là 1 trong 5 trung tâm truyền máu lớn của cả nước. Trung bình mỗi năm, đơn vị này cung cấp khoảng 220.000 đơn vị chế phẩm máu cho 62 bệnh viện gồm: 2 bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh là Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Thống Nhất, 60 bệnh viện thuộc địa bàn 5 tỉnh miền Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu).
Bên cạnh đó, trong những thời điểm các tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ rơi vào tình trạng thiếu máu, Trung tâm cũng đã cung ứng 20.000 đơn vị máu và chế phẩm máu cho Trung tâm Truyền máu Cần Thơ. Để đảm bảo đủ số lượng máu, mỗi ngày, các đội lưu động của Trung tâm Truyền máu - Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải đi hàng trăm km khắp các tỉnh miền Đông Nam Bộ để tiếp nhận nguồn máu hiến tại các địa phương.
Những năm qua, Trung tâm Truyền máu - Bệnh viện Chợ Rẫy luôn đảm bảo nguyên tắc an toàn truyền máu, bao gồm: sàng lọc đủ 5 bệnh nhiễm trùng (HIV, HBV, HCV, giang mai, sốt rét) trên 100% đơn vị máu trước khi truyền; bảo đảm an toàn về các phản ứng miễn dịch, xác định nhóm hồng cầu ABO, Rh, phát hiện kháng thể bất thường nhằm chọn đơn vị máu an toàn nhất cho người bệnh. Trung tâm còn sản xuất được các thành phần máu cơ bản: khối hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, huyết tương, tủa lạnh đạt tiêu chuẩn châu Âu.