12 năm qua, những cơn động kinh đến bất ngờ và liên tục ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bé A. Trong suốt khoảng thời gian ấy, A đã được gia đình đưa đi chữa trị ở nhiều nơi, sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau và tăng liều cao nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Cơn động kinh tái phát khiến bé e ngại trong cuộc sống và sinh hoạt với mọi người, khó khăn trong tiếp thu, học tập.
Vừa qua, N.P.A được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và các bác sĩ chuyên khoa thần kinh ở đây hội chẩn, xác định có tổn thương xơ hóa hải mã và được phẫu thuật cắt xơ hóa hải mã bên phải. Người bệnh sau mổ không xuất hiện tình trạng tái phát cơn động kinh, không có thiếu hụt thần kinh sau mổ, tình trạng hậu phẫu ổn định.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đình Văn, Khoa Phẫu thuật Thần kinh 1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Đối với trẻ em khi đã xác định bệnh động kinh kháng thuốc thì nên phẫu thuật càng sớm càng tốt, giúp cho não bộ trẻ được bình thường hóa trở lại, trẻ được học tập, sinh hoạt và hòa nhập hoạt động xã hội.
“Đã có nhiều trường hợp trẻ động kinh kháng thuốc được phẫu thuật thành công mang đến hiệu quả tốt mở ra tương lai cho trẻ. Có em bé được phẫu thuật lúc 2 tuổi rưỡi các đây 5 năm, hiện cháu đi khám lại thấy không còn xuất hiện cơn và đi học bình thường như các bạn bè đồng trang lứa”, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đình Văn chia sẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Đình Văn cho biết thêm: Bệnh lý động kinh trở thành gánh nặng bệnh tật toàn cầu, đặc biệt tại các nước đang phát triển như Việt Nam. Người bệnh động kinh bị hạn chế tham gia các hoạt động học tập, lao động và xã hội, nguy cơ tàn phế về chức năng và tâm lý tâm thần rất lớn.
Ngày nay, với sự phát triển của các thuốc điều trị động kinh ngày càng đa dạng hơn, giúp cho điều trị thuốc vẫn là điều trị nền tảng cho bệnh lý này.
Tuy nhiên, trong số đó vẫn có khoảng 20-60% không hiệu quả với thuốc (kháng thuốc). Tất cả các nghiên cứu trên thế giới từ rất nhiều năm nay khẳng định rằng, phẫu thuật động kinh kháng thuốc vẫn là lối mở hy vọng rất lớn cho người bệnh động kinh, đặc biệt đối với trẻ em.
Các nguyên nhân gây động kinh kháng thuốc thường gặp như: xơ hoá hải mã, loạn sản vỏ não, u thần kinh đệm bậc thấp, khối mô thừa dưới đồi thị... được phát hiện nhờ phim chụp cộng hưởng từ hiện đại 3.0T, phương pháp điện não đồ video và thăm khám đánh giá của hội đồng chuyên sâu về bệnh lý động kinh. Phẫu thuật cần tiến hành sớm nhất có thể đặc biệt đối với trẻ em động kinh kháng thuốc, tỉ lệ khỏi bệnh với nhóm phát hiện được tổn thương lên tới 70-85%, rủi ro biến chứng thấp.
Do đó phương pháp phẫu thuật được khuyến cáo rất mạnh mẽ trên thế giới, bởi mang lại hy vọng lớn cắt cơn động kinh cho trẻ em, giúp ngăn chặn sự hình thành mạng lưới sinh động kinh phức tạp, tạo thuận lợi cho quá trình bình thường hoá sự phát triển tâm thần của trẻ...