Những ngày không quên…

“Những ngày này sẽ là những ngày không thể quên đối với tôi. Đó là những ngày tôi và các đồng nghiệp tập trung cho “cuộc sống khác” thường nhật tại khu cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 ở trường THCS Huỳnh Tấn Phát (phường Bình Thuận, Quận 7, TP Hồ Chí Minh) để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc là đánh thắng đại dịch COVID-19”, Thượng úy, bác sĩ Lê Hữu Khánh, khoa Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong lễ xuất quân lên đường vào miền Nam tháng 8/2021. Ảnh minh họa: benhvien108.vn

Nhớ về thời điểm những ngày cuối tháng 8, khi đang học tập tại Học viện Quân Y thì nhận được lệnh lên đường chi viện cho miền Nam chống dịch, bác sĩ Lê Hữu Khánh cho biết, trải nghiệm những ngày đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh, được phân công thực hiện nhiệm vụ tại một khu chung cư và sau 1 tuần sàng lọc khu chung cư đã thành vùng xanh, bác sĩ đề nghị lên phường được mở rộng địa bàn hoạt động để giúp được nhiều người ở xung quanh và vùng đỏ.

“Sau đó phường tổ chức lại cho nhóm tôi về khu cách ly, ban đầu cũng khá lo lắng, vì tổ có 3 người mà phụ trách cả điểm trường được trưng dụng thành khu cách ly tập trung điều trị bệnh nhân COVID-19 với số lượng bệnh nhân F0 nhiều. Trong đầu chúng tôi đặt ra muôn vàn câu hỏi: Liệu điểm trường có đảm bảo các điều kiện không, nhưng trên tất cả là suy nghĩ mình nhất định làm được vì hơn lúc nào hết, lúc này nhân dân cần mình nhất và có thể giúp được nhiều người bệnh hơn”, bác sĩ Khánh chia sẻ.

Cùng với đồng đội tại khu cách ly tập trung điều trị bệnh nhân COVID-19 , bác sĩ Khánh không hề nao núng và bỡ ngỡ, nhanh chóng thiết lập và sắp xếp công việc cũng như cuộc sống trong khu cách ly một cách gọn gàng.

“Khu cách ly là một trường cấp 2 sức chứa 200 bệnh nhân, tôi được phụ trách 196 bệnh nhân và có sự giúp đỡ thêm một cán bộ phường. Hàng ngày, chúng tôi túc trực cùng bệnh nhân F0 để xử lý mọi vấn đề khi cần. Buổi sáng, tôi đi khám bệnh nhân F0 và theo dõi bệnh nhân rất nặng hoặc bất thường, chiều lấy mẫu RT-PCR cho bệnh nhân đến kỳ xét nghiệm. Trong ngày, lúc nào có bệnh nhân nặng cần chuyển viện, tôi sẽ theo xe cấp cứu đưa bệnh nhân lên bệnh viện cao hơn. Nhiều hôm, cả kíp trực phải tất bật xuyên đêm thực hiện khử khuẩn, thu thập thông tin, xếp phòng, kiểm tra, theo dõi bệnh nhân… Xong việc trời cũng vừa sáng, cơ thể rã rời vì phải làm việc liên tục nhiều giờ đồng hồ trong bộ quần áo bảo hộ cộng thêm cường độ, áp lực lớn của nhiệm vụ, nhưng chúng tôi ai nấy đều rất nỗ lực, chỉ mong giúp đỡ, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân”, bác sĩ Khánh kể lại.

Trong đợt dịch thứ 4 này, các ca bệnh có những diễn biến rất khó lường. Do đó, những cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân không được chủ quan, lơ là, cần phải theo dõi sát, phân loại điều trị phù hợp với diễn biến, tình trạng bệnh, có kế hoạch điều trị, chăm sóc và phục vụ người bệnh cụ thể theo giờ, ngày, không để bệnh diễn biến nặng. Bên cạnh dó, việc tổ chức lấy bệnh phẩm xét nghiệm, chỉ định các cận lâm sàng cho bệnh nhân phải có kế hoạch cụ thể, đảm bảo khoa học, hiệu quả.

Bác sĩ Khánh cho biết: “Để người bệnh tin tưởng sẽ vượt qua và chiến thắng được bệnh dịch, chúng tôi luôn chăm lo, động viên, chia sẻ, giải tỏa tâm lý để họ yên tâm cách ly, điều trị. Có những ngày các ca F0 tăng, áp lực khi có bệnh nhân phải chuyển tuyến, chúng tôi luôn động viên nhau, nỗ lực, tập trung hết sức để cứu chữa bệnh nhân. Ngày đầu, để khám và điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, tôi dùng loa nhà trường nói chuyện với bệnh nhân, vừa bộc bạch một chút về bản thân, vừa chia sẻ những khó khăn bà con phải chịu, buổi chiều bật nhạc vui nhộn đẩy lùi COVID-19 để bà con lạc quan, yêu đời. Sau đó thành lập nhóm zalo đại diện các phòng để tiện trao đổi và chia sẻ vừa đảm bảo an toàn phòng dịch”.

Anh H.V.L (phường Bình Thuận, Quận 7) tâm sự: “Gia đình chúng tôi vào khu cách ly tại trường cấp 2 Huỳnh Tấn Phát. Khi biết cả gia đình đều dương tính với SARS-CoV-2, vợ chồng tôi vô cùng hoảng loạn và lo lắng cho sức khỏe của mẹ vì bà đã lớn tuổi. Tuy nhiên, khi vào đây điều trị, các y bác sĩ luôn quan tâm, động viên, chăm sóc, tạo mọi điều kiện sinh hoạt tốt nhất. Hiện nay, tất cả 5 thành viên gia đình tôi đều có tiến triển khả quan. Chúng tôi đã nhận được kết quả RT-PCR chỉ số an toàn. Vì vậy, vài ngày tới, gia đình có thể về tự cách ly, đây là niềm vui lớn của cả nhà”.

Sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tại Khu cách ly đã góp phần đem lại những kết quả tích cực cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Đến nay, Khu cách ly đã điều trị khỏi và hoàn tất thủ tục xuất viện cho gần 2.000 bệnh nhân.

Khi tình hình đã kiểm soát tốt hơn, bác sĩ Khánh lại chuyển sang Bệnh viện Dã chiến Quận 7 để tiếp tục nhiệm vụ.

“Những ngày này, TP Hồ Chí Minh dịch đang có dấu hiệu giảm nhiệt, thành phố bước vào trạng thái bình thường mới. Những con phố đã bắt đầu tấp nập trở lại với nhịp sống vốn có của thành phố, chúng tôi có thêm niềm vui, động lực, cố gắng để chiến thắng đại dịch”, Thượng úy Lê Hữu Khánh phấn khởi chia sẻ.

An Ngọc (TTXVN)
Ninh Thuận, Hậu Giang xác định cấp độ dịch tại đơn vị cấp xã, huyện
Ninh Thuận, Hậu Giang xác định cấp độ dịch tại đơn vị cấp xã, huyện

Căn cứ Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, ngày 21/10, UBND tỉnh Ninh Thuận đã thông báo kết quả đánh giá phân loại cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN