Quảng Bình vượt khó sau sự cố môi trường biển

Quảng Bình có 18 xã, với 15.000 người trực tiếp đánh bắt thủy sản, 45 ngàn người làm dịch vụ nghề cá... Sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua đã khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.

Người dân mua cá đã được kiểm định tại chợ Đồng Hới (TP Đồng Hới, Quảng Bình). Ảnh: Đức Thọ/TTXVN

Khó khăn không nhỏ

Lão ngư Lê Thương (82 tuổi) ở thôn Nam Lãnh (xã Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình) đã có hàng chục năm gắn bó với vùng biển bãi ngang, 3 người con trai của ông cũng nối nghề cha. Nhưng, đã 3 tháng nay, những lao động chính trong gia đình ông Thương không có nguồn thu nhập từ biển, họ cũng chưa biết phải làm gì trước thực trạng này.

Ông Lê Thương cho biết: “Hầu hết mọi người theo nghề thuyền thúng ở vùng bãi ngang này đều không có việc làm nữa. Ngư lưới cụ nằm đắp chiếu, thuyền thúng cũng úp trên bờ biển. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ vốn để có thể tìm một công việc phù hợp, có thu nhập, ổn định cuộc sống"

Trước khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường, mỗi đêm ra biển, mỗi thuyền thúng của người dân vùng bãi ngang Quảng Bình có thể thu nhập từ 500 ngàn đến 2 triệu đồng. Khoảng 50 hộ vùng bãi ngang xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) vốn có nghề lấy rong biển, mỗi mùa mỗi gia đình có thể thu khoảng 50 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay rong không thể bán, người dân rất khó khăn.

Cảnh Dương là xã nổi tiếng với nghề biển từ bao đời nay ở huyện Quảng Trạch có gần 300 tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, sự cố ô nhiễm môi trường biển vừa qua đã khiến các tàu cá ở Cảnh Dương hầu như tê liệt, tàu không ra biển, chợ vắng bóng người, tiểu thương không có nguồn cung ứng… Trước tình hình đó, vừa qua, người dân xã Cảnh Dương đã có cuộc họp với chính quyền địa phương và đề đạt một số kiến nghị lên cấp trên.

Theo người dân ở Cảnh Dương, địa phương là xã độc canh về nghề ngư nghiệp và buôn bán nhỏ. Việc chuyển đổi nghề khó có thể thực hiện vì những người làm nghề đánh bắt gần bờ hầu hết là tuổi cao, sức khỏe yếu, điều kiện kinh tế khó khăn, hơn nữa đây là nghề truyền thống từ bao đời để lại.

Đối với các hộ buôn bán ở Cảnh Dương, việc thu mua hải sản lại càng khó khăn hơn. Người dân Cảnh Dương mong muốn các cấp, các ngành chức năng sớm có giải pháp hỗ trợ cho các hộ khai thác, chế biến, làm dịch vụ hậu cần nghề cá và các nghề có liên quan.

Còn tại xã Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy), ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Giờ muốn chuyển sang nghề đánh bắt xa bờ thì ngư dân ở đây hầu như không có vốn. Còn các nghề nông nghiệp, nghề may… ngư dân chưa thể làm được vì chưa thuần thục”.

Theo ông Nguyễn Thanh Điệu, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới( tỉnh Quảng Bình), hiện nay Nhà nước đã có sự hỗ trợ đối với những tàu ven biển, đối với tàu từ 90 đến 20 CV trở xuống. Riêng những tàu đánh xa bờ thì chưa được trợ cấp. Ngư dân mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các tàu cá đánh bắt xa bờ để ngư dân yên tâm lao động sản xuất.

Chung tay với người dân


Trước những kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng do sự cố ô nhiễm môi trường biển, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng đã ban hành một số chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục hậu quả do sự cố ô nhiễm môi trường, hải sản chết bất thường.


Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát lại toàn bộ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng để cơ cấu lại nợ và tiến hành cấp tín dụng ưu đãi.

Ông Trần Văn Tài, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Bình cho biết: Đơn vị đang tiến hành khảo sát, lập hồ sơ nắm bắt và xử lý nợ tùy theo mức độ thiệt hại về vốn và thủy sản; đồng thời khảo sát nhu cầu vốn để cho người dân vay khắc phục thiệt hại và cho vay chuyển đổi ngành nghề và phương án mới. Sau khi báo cáo Trung ương, đơn vị đã chỉ đạo ngay, dùng các nguồn vốn thu nợ cũ, thực hiện các chương trình và biện pháp để ưu tiên cho ngư dân các xã biển vay khắc phục thiệt hại.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình: Quảng Bình là tỉnh nghèo, tỉnh đã cố gắng hết sức về kinh phí để hỗ trợ trước mắt cho người dân trong khi chờ đợi sự chỉ đạo của Chính phủ. Nguồn vốn dự phòng của tỉnh hầu như đã xuất hết để hỗ trợ người dân bằng gạo, bằng tiền mặt. Hiện nay, Quảng Bình có dự án 32 xã vùng bãi ngang ven biển, dự án này được Chính phủ hỗ trợ.

Ông Nguyễn Hữu Hoài cho biết thêm: Quảng Bình là một trong những tỉnh có quyết tâm đóng tàu lớn để đánh bắt vùng biển xa với 830 tàu đánh bắt xa bờ và trong năm 2016 này, ngư dân của tỉnh sẽ đóng thêm khoảng 80 chiếc.

Đây cũng là hướng phát triển sản xuất lâu dài cho ngư dân vì việc làm này không những để tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, hy vọng tỉnh tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương để phát huy tiềm năng kinh tế biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Đức Thọ - Mạnh Thành (TTXVN)
Hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng cá chết kịp thời, đúng đối tượng
Hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng cá chết kịp thời, đúng đối tượng

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa có báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện hỗ trợ nhân dân 4 tỉnh miền Trung khắc phục thiệt hại do thủy hải sản chết hàng loạt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN