Ngăn chặn tình trạng nhập lậu cá tầm

Cá tầm nhập lậu sẽ gây nguy cơ về dịch bệnh và nguy hại hơn có thể làm triệt tiêu cả ngành nuôi cá nước lạnh trong nước. Do đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn ngừa tình trạng nhập lậu cá tầm.

 

Bắt giữ một vụ buôn lậu cá tầm Trung Quốc nhập lậu. Ảnh: ANTĐ

 

Theo ông Dương Tiến Thể, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, qua kết quả kiểm tra cho thấy, tình trạng nhập lậu cá tầm vào Việt Nam thời gian qua là có thực. Việc nhập lậu chủ yếu được thực hiện qua một số tỉnh vùng biên giới phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai nhưng hiện vẫn chưa nắm rõ quy mô, các đường dây vận chuyển.


“Trứng cá tầm hiện được nhập chủ yếu qua “xách tay” theo đường hàng không. Một thời gian, Bộ Nông nghiệp phối hợp cùng Bộ Công Thương siết chặt việc vận chuyển này tại các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất thì tình hình có giảm. Nhưng, ngay sau khi lực lượng liên ngành ngưng kiểm tra thì tình trạng vận chuyển lại tái xuất”, ông Thể cho hay.


Trước thực trạng trên, Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản gửi Cục An ninh nông nghiệp và nông thôn - Bộ Công an đề nghị vào cuộc ngăn chặn tình trạng này, xử lý theo pháp luật những trường hợp phi pháp, nhằm bảo vệ ngành nuôi cá lạnh trong nước cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam.


Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh, tất cả cá tầm đang được tiêu thụ trên thị trường hiện nay nếu không có nguồn gốc, xuất xứ đều là hàng nhập lậu. Thậm chí, cá tầm đang nuôi tại các cơ sở trong nước, nếu không chứng minh được nguồn gốc thì cũng là sản phẩm nhập lậu. Thứ trưởng khẳng định, việc kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở nuôi hiện nay là hoàn toàn có thể, do số lượng cơ sở nuôi loại này không nhiều, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể nắm được. “Nếu là cá tầm nuôi trong nước thì phải vận chuyển từ miền Trung ra miền Bắc chứ không thể có tình trạng ngược, vận chuyển từ Bắc vào miền Trung, Nam để tiêu thụ như hiện nay”, Thứ trưởng phân tích.


Nắm rõ được điểm này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu yêu cầu Cục Thú y triển khai ngay việc quản lý đối với cá tầm tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Bất kỳ lô hàng nào kiểm tra không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ sẽ buộc phải tiêu hủy. Cùng với đó, Tổng cục Thủy sản kiểm tra các cơ sở nuôi cá tầm trong nước ở khu vực biên giới, kê khai, giám sát theo quy định về nguồn gốc giống, ngăn ngừa tình trạng trung chuyển sản phẩm nhập lậu. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cần lấy ngay mẫu cá tầm nhập lậu để kiểm tra xem có dư lượng chất kích thích tăng trưởng hay không. Đối với doanh nghiệp nuôi trong nước, Thứ trưởng đề nghị cần đăng ký cơ sở nuôi rõ ràng, đồng thời cảnh báo nếu cơ sở nuôi vi phạm, nhập lậu về sẽ cấm nuôi, tránh tình trạng lợi dụng các cơ sở này để “rửa cá tầm lậu”.

 


Kiểm soát việc bơm nước vào thịt gia súc


Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Phùng Hữu Hào cho biết, đối với giết mổ gia súc, gia cầm, lực lượng liên ngành cũng đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến việc bơm nước vào thịt gia súc (lợn, trâu, bò) sau giết mổ, tập trung chủ yếu ở phía Nam. Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y khẳng định, đây là hành vi bị cấm. “Việc bơm nước vào gia súc sau giết mổ sẽ làm thịt dễ nhiễm các loại vi sinh, chất lượng thịt giảm. Thậm chí, nguồn nước không đảm bảo còn là môi trường để sinh sôi các yếu tố độc hại khác”, ông Thành nói.


Trong tháng 5 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành tại Cà Mau đã kiểm tra và phát hiện 35 trường hợp bơm nước vào lợn sau giết mổ, đoàn đã xử phạt 120 triệu đồng. Tại Long An, một trong những tỉnh cung cấp lượng thực phẩm lớn cho TP Hồ Chí Minh, đoàn kiểm tra đã phát hiện một cơ sở giết mổ bơm nước vào thịt trâu, bò. Lực lượng chức năng đã đình chỉ hoạt động giết mổ của cơ sở này.


Hiện, Cục Thú y đã yêu cầu hệ thống thú y các địa phương thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát vận chuyển gia súc từ nơi xuất phát, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ gia súc bị bơm nước thì phải ngừng ngay việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển. Lực lượng thú y “đứng chốt” tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc với mục đích giết mổ, thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra gia súc trước khi giết mổ tại cơ sở giết mổ gia súc. Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc buôn bán, tiêu thụ thịt gia súc tại các chợ, siêu thị; tiến hành truy xuất nguồn gốc đối với những miếng thịt có màu sắc bất thường.


Hoàng Tùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN