Kỷ niệm 38 năm giải phóng miền Nam: Bài cuối: Tự hào với chiến thắng của cha ông

Sau ngày thống nhất đất nước, nhất là sau hơn 20 năm thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh... đã làm cho diện mạo từ thành thị đến nông thôn đổi mới rõ rệt; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ nét. Đó là nhờ một phần vào sự đóng góp tích cực của các thế hệ trẻ, khi tiếp tục phát huy tinh thần dựng nước và giữ nước của thế hệ cha ông đi trước.

 

 

Lực lượng đoàn viên thanh niên luôn ý thức phải học tập, rèn luyện để góp sức xây dựng đất nước.

 

Trong những ngày tháng 4 này, khi cả nước đang rộn ràng chuẩn bị kỷ niệm cho ngày lịch sử trọng đại: Ngày đất nước thống nhất, non sông quy về một mối, thì các thế hệ trẻ đoàn viên, thanh niên, sinh viên... cũng như đang sống lại thời khắc lịch sử hào hùng đó. Thanh Trúc - sinh viên Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn, tự hào nói: “Tôi cho lịch sử nước mình là hào hùng nhất, vinh quang nhất.

 

Nếu ai đã từng hiểu biết về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ nghĩ như tôi. Một nghìn năm Bắc thuộc, gần 100 năm chống đế quốc, thực dân chỉ thực sự kết thúc với cột mốc chiến thắng 30/4 hoàn toàn giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Mặc dù không tham gia chiến đấu như thế hệ cha ông đi trước, nhưng là một người dân Việt Nam được sống trong thời bình, tôi cũng tự nhủ mình phải cố gắng học tập để xây dựng đất nước và phát huy những giá trị truyền thống của cha ông đã để lại. Từ hào khí chiến thắng hôm qua mà thế hệ trẻ nên bồi đắp cho mình bản lĩnh vững vàng, giàu tư duy trí tuệ”.

 

Vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, Ngọc Bích - giảng viên trường Đại học Kỹ Thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh, không giấu được sự xúc động khi nhắc đến ngày 30/4 lịch sử: “Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong thời bình nên không phải nếm trải “mùi vị” của chiến tranh. Vì vậy, tôi tự hào về dân tộc qua truyền thống gia đình, sách vở, di tích và các câu chuyện kể của những nhân chứng sống ngày ấy. Có lẽ thấm thía và không bao giờ tôi quên được là sự kiện đánh dấu Bắc - Nam thống nhất, người dân được hưởng tự do độc lập hoàn toàn. Riêng tôi, mỗi lần có dịp đi ngang qua Dinh Thống Nhất là không khí ngày 30/4 như hiển hiện lại. Tôi xem đó như một bằng chứng đánh dấu sự kiện lịch sử lớn lao của dân tộc mình”.


Bên cạnh đó, bạn Thủy Nguyễn, hiện đang công tác tại Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, tâm sự: “Là thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên khi đất nước được thanh bình, bản thân tôi và nhiều bạn trẻ khác luôn luôn tự hào về những thành quả được gây dựng từ chính mồ hôi, xương máu và nước mắt của ông cha mình. Ngày 30/4/1975 là mốc son chói lọi của trang sử hào hùng của nhân dân ta trong kháng chiến trường kỳ của dân tộc khi non sông liền một dải. Tôi càng tự hào, trân trọng bao nhiêu thì thấy bản thân của mỗi người trẻ chúng tôi hôm nay càng phải có trách nhiệm với thế hệ cha ông mình hơn. Mỗi bạn trẻ ngày nay phải không ngừng học tập, hăng say lao động, đóng góp sức mình để phát triển quê hương, đất nước, đem trí tuệ và sức trẻ để cống hiến cho xã hội nhiều hơn”.


Là một người đã từng tham gia vào các hoạt động phong trào học sinh - sinh viên trong nội đô Sài Gòn, bà Trần Thị Ngọc Hảo chia sẻ: “Tôi mong thế hệ trẻ bây giờ phải luôn trau dồi tri thức và tôn trọng những gì đã có. Để từ đó xây dựng và phát triển đất nước theo thời đại mới. Đặc biệt là phải có nhân cách sống và có lòng yêu nước. Nếu phủ nhận quá khứ là có tội với những người đi trước và có tội với chính bản thân mình”.

 

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết - Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN