Bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải

Sáng 30/8, Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đã tổ chức phiên họp nghe báo cáo, giải trình của Bộ Giao thông Vận tải và các bộ liên quan về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.


Đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy thời gian qua, quy định về kinh doanh vận tải đường bộ theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã dần đi vào cuộc sống, giúp công tác quản lý hoạt động này dần đi vào nền nếp...


Tuy nhiên, công tác quản lý kinh doanh vận tải thời gian qua vẫn còn không ít tồn tại. Các quy định trong lĩnh vực vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng hóa còn chưa đáp ứng kịp thời với diễn biến của tình hình. Công tác thanh tra, kiểm tra trong kinh doanh vận tải đường bộ chưa được quan tâm đúng mức. Một số Sở Giao thông vận tải chưa quan tâm đến công tác cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho đơn vị kinh doanh vận tải container. Tình trạng hợp tác xã, doanh nghiệp chỉ đứng ra làm đầu mối pháp lý cho xe có đủ điều kiện hoạt động mà không tổ chức thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định diễn ra phổ biến...


Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngô Văn Hùng về sự thiếu chặt chẽ trong quy định điều kiện kinh doanh tại Nghị định số 91/2009/NĐ-CP và Nghị định số 93/2010/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, hai nghị định trên còn nhiều tồn tại cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp theo hướng siết chặt hơn các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa, trong đó nhấn mạnh đến các điều kiện nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chất lượng dịch vụ cũng như hiệu quả kinh doanh vận tải. Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện cấp giấy phép kinh doanh và phù hiệu để quản lý phương tiện đối với tất cả các loại hình kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa; đưa kinh doanh vận tải xe khách, container là kinh doanh có điều kiện; quy định rõ, cụ thể về tổ chức an toàn giao thông trong đơn vị kinh doanh vận tải, hậu kiểm sau cấp phép.


Trước những băn khoăn của Thiếu tướng Trần Đình Thu (Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai) về việc quản lý vận tải hàng hóa siêu trường siêu trọng mới tập trung quản lý phần ngọn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận chủ trương xử lý xe quá tải là đúng, nhưng quá trình thực hiện chưa tốt, nhiều điểm chưa hợp lý và không phải địa phương nào cũng đồng tình với việc quản lý tải trọng xe. Một số địa phương cho rằng quản lý tải trọng xe là cản trở sự thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc này phải thực hiện nghiêm túc, tránh tiêu cực, không thể để tiếp diễn tình trạng đến 60%, 70% số xe được kiểm tra là quá tải, chở gấp 2, gấp 3 lần tải trọng. Hiện, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ phê duyệt hệ thống trạm cân tải trọng xe toàn quốc và các trạm cân lưu động, đã có 10 trạm cân được trang bị cho các sở, tới đây sẽ triển khai tiếp. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, ra quân kiểm soát, phạt nặng lái xe vi phạm.


Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc nhà xe khoán trắng cho lái xe, không quan tâm đến sức khỏe người lái, đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết đó là một thực tế đang diễn ra, có quy định về quản lý sức khỏe người lái xe, nhưng chưa có chế tài nên quy định chỉ là hình thức. Hiện chưa có quy định về điều kiện hành nghề của lái xe tham gia hoạt động kinh doanh vận tải, chậm sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe cho phù hợp với Luật Giao thông đường bộ. Tới đây, Bộ sẽ sửa các văn bản quy phạm pháp luật, quy trách nhiệm cho cả chủ doanh nghiệp vận tải và lái xe. Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Y tế sẽ ký chương trình phối hợp, trong đó có việc quản lý sức khỏe lái xe, nhất là xe khách và xe container, bảo đảm an toàn cho người điều khiển phương tiện...


Chu Thanh Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN