Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành dự thảo "Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục" để lấy ý kiến góp ý. Văn bản này sau khi hoàn thiện, sẽ được thông qua thay thế Nghị định 138 năm 2013.
Đáng chú ý, trong dự thảo có nội dung: Hành vi ép học sinh học thêm, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học bị phạt từ 10-20 triệu đồng, xâm phạm thân thể người học phạt từ 20-30 triệu đồng. Đi kèm với mức phạt này, giáo viên phải xin lỗi công khai và có thể bị đình chỉ từ 1-6 tháng.
Xung quanh hình thức xử phạt hành chính này, nhiều chuyên gia, phụ huynh đã đưa ra ý kiến. GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng: Có nhiều hình thức để giải quyết trong trường hợp giáo viên có các hành động xúc phạm nhân phẩm, danh dự học sinh, nhưng không hiểu sao Bộ GD-ĐT quy định hình thức phạt tiền. Giáo viên không phải là người buôn bán, trốn thuế hay gian lận mà phải xử phạt bằng tiền.
Trong dự thảo tờ trình, Bộ GD-ĐT cho rằng, một số hành vi trái pháp luật đã xảy ra trên thực tế, nhưng chưa có các quy định để xử phạt, một số quy định mới được ban hành để tăng cường quản lý hoạt động giáo dục chưa có chế tài. Vì vậy, cần bổ sung hành vi vi phạm để có cơ sở pháp lý xử phạt….
Tuy nhiên, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng: “Những vụ việc giáo viên đánh học sinh chỉ là hãn hữu, cá biệt. Không thể vì các hiện tượng này mà đưa ra các quy định phạt tiền. Nếu ứng xử không đúng, dễ gây ra mặc cảm với các giáo viên. Những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có thể đuổi việc, cắt hợp đồng, thậm chí cho ra khỏi ngành, những trường hợp vi phạm lần đầu, không quá nghiêm trọng có thể phạt cảnh cáo, khiển trách”.
GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, hầu hết các địa phương hiện nay đều gặp phải tình trạng quá tải lớp học, áp lực sĩ số đè nặng lên giáo viên, như vậy, nếu phạt tiền giáo viên có giải quyết được vấn đề? Ngược lại, nếu làm không tốt, sẽ dễ nảy sinh ra sự tâm lý ức chế, “mặc kệ” của giáo viên, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dạy và học trong nhà trường.
Trong khi đó, GS.TS Đào Trọng Thi, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cần bàn cụ thể hơn về nội dung hình thức phạt, còn việc ban hành các mức phạt hành chính trong giáo dục là cần thiết.
“Nếu chỉ nói là không cho phép làm, nhưng lại không có chế tài cụ thể, cách xử lý thì không hiệu quả. Khi đã có chế tài, thì lại đặt ra vấn đề về lực lượng thực thi ra sao, phải tính cho kỹ? Tôi cho rằng bước quy định trong nghị định về các hình thức xử phạt, mức xử phạt là cần thiết, hợp lý. Tuy nhiên, mục đích không phải để nhằm đến xử phạt, mà để nhắc nhở mọi người đừng vi phạm, điều này mới quan trọng. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ để quá trình thực thi không gây áp lực cho giáo viên”, ông Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
Còn bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: "Về chuyện phạt tiền giáo viên mắng, xúc phạm nhân phẩm, thân thể của học sinh, tôi thấy cần thiết. Những hành vi không tốt của giáo viên với học sinh là không thể chấp nhận. Đặc biệt, thời gian gần đây thường xảy ra các vụ giáo viên có hành vi phản cảm với học sinh. Việc này cần có chế tài xử lý.
Việc đánh, mắng học sinh không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe của 1 học sinh mà còn có thể tạo ra tâm lý chán chường với nhiều học sinh khác. Tôi đồng ý phạt tiền đồng thời có những hình thức xử phạt rất nghiêm minh. Tuy nhiên, giáo dục là ngành đặc thù, sản phẩm tạo ra là con người, những thế hệ tương lai, nên cũng cần phải cân nhắc rất kỹ. Nếu xử phạt thì vi phạm ở mức độ nào sẽ phạt, cần phân biệt thế nào là răn đe, thế nào là xúc phạm? Vi phạm với tần suất bao nhiêu thì sẽ xử lý? Những nội dung này trong dự thảo tôi thấy vẫn còn khá trừu tượng và chưa thực sự rõ ràng. Nếu không cẩn thận, sẽ rất dễ làm giáo viên nhụt chí, không dám dạy dỗ học sinh”, bà An chia sẻ.
Theo bà An, khi xử lý giáo viên vi phạm cũng cần đánh giá đúng công sức của họ để tránh cảm giác dù các thầy cô rất tận tâm mà vẫn bị phạt nặng… Tóm lại Bộ cần đưa thêm những tiêu chí đánh giá cụ thể, công tâm, trách cách đánh giá cảm tính.
Còn chị Phạm Thu Thủy (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: "Hình thức phạt tiền với giáo viên khi đánh học sinh cần cân nhắc kỹ bởi thực tế dạy một lớp gần 60-65 học sinh sẽ rất ức chế. Qua thông tin trên báo chí về các vụ giáo viên đánh, xúc phạm học sinh đều cho thấy giáo viên chưa được đào tạo kỹ năng sư phạm. Do đó theo tôi, trước tiên ngành giáo dục cần chuẩn hóa giáo viên, đội ngũ giảng dạy có tâm, có tài thực sự sẽ hạn chế những vi phạm trên. Gốc rễ vẫn là đào tạo và văn hóa ứng xử trong trường học để học sinh tôn sư trọng đạo".