Đến dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Nói chuyện với các sinh viên về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động toàn diện đến giáo dục đại học, từ đổi mới nội dung, chương trình, ngành học, đến đổi mới các hình thức học tập, phương tiện, thiết bị dạy học và thay đổi cả vai trò của người dạy từ truyền thụ kiến thức sang vai trò xúc tác và điều phối, hướng dẫn người học. Trong thời kỳ hội nhập và bối cảnh cách mạng 4.0, cùng với các kiến thức chuyên môn, sinh viên cần được trang bị ngoại ngữ và kỹ năng công nghệ thông tin như những công cụ không thể thiếu cả trong quá trình học tập và khi bước vào thị trường lao động. Mặt khác, tri thức phát triển không ngừng, nhiều điều được dạy trong nhà trường hôm nay có thể sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu trong tương lai gần. Không trường học nào có thể dạy mọi thứ và không người học nào có thể học được mọi thứ chỉ trong khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường.
Vì vậy, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, xu hướng giáo dục hiện đại phải khuyến khích sinh viên phát triển tư duy học suốt đời, học liên tục. Mục tiêu của đào tạo không phải là để tạo ra những người lao động làm một công việc cụ thể suốt đời mà phải đạt tới trình độ có thể thích ứng để tồn tại khi nghề được đào tạo chuyển đổi, thậm chí mất đi. Có thể nói sự sáng tạo, đổi mới chính là nền tảng của giáo dục trong thời đại 4.0.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh nguồn lực con người đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và giáo dục chính là cách thức cơ bản để tích lũy vốn con người. Đối với Việt Nam, yêu cầu này là hết sức cấp thiết trong bối cảnh nước ta đang thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục đại học phải có sứ mệnh góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế sáng tạo, bao trùm và bền vững; thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ sự chuyển dịch nền kinh tế. Như vậy, mô hình đại học phải thực sự phát triển theo tinh thần khai sáng và lý tưởng tự do học thuật, đại học không chỉ là trung tâm đào tạo nhân tài, mà còn là một trung tâm khoa học và văn hóa.
Biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của tập thể cán bộ, giảng viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Bình tin tưởng tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nỗ lực phấn đấu để làm tốt vai trò đầu tàu đại học, giữ vững vị trí trong top 1.000 đại học tốt nhất thế giới và phấn đấu lên top 100 đại học tốt nhất châu Á. Với vai trò của mình, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục bám sát định hướng chiến lược phát triển khoa học - công nghệ của đất nước và nhu cầu của xã hội, đặt hàng của các địa phương; đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để hiện thực hóa, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình lưu ý trong cơ chế tự chủ đại học một số trường thành viên Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm đến đổi mới mô hình quản lý, đổi mới quản trị theo mô hình các trường đại học tiên tiến của khu vực và trên thế giới. Đồng thời, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm hoàn thành Khu đô thị Đại học, hoàn thiện từ cơ sở vật chất cho đào tạo, nghiên cứu; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và chăm lo cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; xây dựng chiến lược thu hút nhân tài.
Cùng ngày, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã làm việc với lãnh đạo Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tại buổi làm việc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện để Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sớm hoàn thành dự án xây dựng Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó công tác giải phóng mặt bằng trước năm 2020.
Trên cơ sở chương trình hợp tác giữa Ban Kinh tế Trung ương và Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Đạt đề xuất, Ban Kinh tế Trung ương đặt hàng, hỗ trợ, phối hợp trong thực hiện các chương trình. Cụ thể, phối hợp trong nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách và mô hình phát triển của các khu kinh tế đặc biệt, đặc thù; phối hợp trong việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp có tính đột phá của các địa phương, vùng, miền; tích cực triển khai những nghiên cứu, dự báo về biến động của tình hình thế giới tác động đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam…
Trao đổi với lãnh đạo Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng, giáo dục đào tạo là một trong những dịch vụ công quan trọng và cũng phải hoạt động theo cơ chế thị trường thì mới phát triển bền vững. Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm tới việc đầu tư cho Đại học quốc gia, trong đó có Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, bên cạnh đầu tư bằng nguồn vốn trực tiếp, Nhà nước tiếp tục cải tiến phương thức đầu tư bằng tạo cơ chế, chính sách để các đơn vị chủ động tạo ra nguồn lực; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa. Do vậy, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cần năng động trong tạo nguồn lực phát triển.