Tham gia tọa đàm có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia và đại diện các tổ chức có uy tín trong lĩnh vực dạy và học ngoại ngữ.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đến từ các tổ chức như IIG Việt Nam, Công ty giáo dục Việt Úc, EMG, Apollo, Egroup… đã đề xuất, tham mưu nhiều giải pháp liên quan đến chương trình, học liệu, phương pháp tổ chức dạy học; nâng cao chất lượng công tác khảo thí và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.
Theo đó, giáo viên đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ nên việc xây dựng đội ngũ giáo viên đạt yêu cầu về chất lượng và đảm bảo đủ số lượng là cần thiết.
Không chỉ vậy, để cải tiến chương trình học hiện nay, cần gắn việc dạy ngoại ngữ với các môn học khác để tạo hứng thú cho học sinh.
Một điểm đáng lưu ý, Việt Nam hiện là một trong những nước có số lượng trung tâm dạy ngoại ngữ ngoài nhà trường tương đối lớn. Vì vậy, việc kiểm định chất lượng đào tạo và chương trình giảng dạy của các trung tâm này là rất quan trọng.
Bà Cao Phương Hà, Giám đốc Tổ chức Giáo dục quốc tế EF (Education First) tại Việt Nam cho biết: Trong Bảng xếp hạng chỉ số thông thạo Anh ngữ của 88 quốc gia trên thế giới do EF thực hiện, năm 2018, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 7 ở châu Á. So với năm đầu tiên tham gia đánh giá (năm 2011), Việt Nam có chỉ số rất thấp, những năm gần đây, Việt Nam liên tục vượt hạng về chỉ số thông thạo Anh ngữ. Điều này chứng minh việc dạy và học tiếng Anh ở nước ta đã có bước cải thiện đáng kể, cần tiếp tục được duy trì và phát huy hơn nữa.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Trong quá trình tham khảo, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và của xã hội để xây dựng các chính sách, đề án nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được nhiều ý kiến tư vấn với nhiều quan điểm khác nhau. Điều quan trọng là cần tiếp thu những quan điểm đó như thế nào nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cần thiết, mang lại hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho người học.
Theo Bộ trưởng, một trong những giải pháp quan trọng là phải chuẩn hóa chương trình. Hiện nay, các chương trình, học liệu học tiếng Anh tại Việt Nam rất đa dạng, nhưng cần có một chương trình chuẩn hóa, thiết thực, tránh hàn lâm để học sinh dễ tiếp cận, trước hết đạt được mục đích dùng tiếng Anh để giao tiếp. Chương trình này phải tương đối phổ biến và cố gắng số hóa để các trường khu vực vùng sâu, vùng xa, thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ đạt chuẩn vẫn có thể tiếp cận được.
Bộ trưởng cho rằng: Chúng ta cần đặt ra mục tiêu dạy học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng, coi ngoại ngữ là công cụ để giao tiếp, học thực chất, không nhất thiết đặt nặng vấn đề bằng cấp, chứng chỉ. Đã đến lúc, chúng ta cần xem xét việc dạy học tiếng Anh theo tinh thần xã hội học tập, học để “xóa mù”, tạo thành phong trào sâu rộng, người biết nhiều dạy cho người biết ít, không chỉ với học sinh, sinh viên mà với cả người trưởng thành, toàn dân đều có thể học ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, mục tiêu học ngoại ngữ của mỗi người khác nhau nên cần đa dạng hóa các mô hình giảng dạy theo hướng, các trường phổ thông dạy nội dung cơ bản, mang tính ứng dụng thực tiễn cao. Những học sinh có nhu cầu sử dụng ngoại ngữ trong học tập, nghiên cứu hoặc đi du học có thể tìm đến các trung tâm đào tạo chuyên sâu ngoài nhà trường.
Ngoài ra, có thể đưa một số môn học như Toán, Khoa học Tự nhiên vào giảng dạy bằng tiếng Anh trong nhà trường; thông qua đó, tăng tính hiệu quả của việc học ngoại ngữ.
Về vấn đề khảo thí, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Bộ sẽ xem xét việc xây dựng trung tâm khảo thí độc lập, uy tín, có thể mời các tổ chức kiểm định quốc tế có kinh nghiệm để đánh giá chất lượng của các trung tâm giảng dạy ngoại ngữ tại Việt Nam hiện nay, đảm bảo khách quan, không để thả nổi, buông lỏng chất lượng. Các trung tâm đều phải kiểm định và được xếp hạng khi tham gia hoạt động giảng dạy.
Đối với giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang xem xét các giải pháp đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nghiên cứu để có văn bản hướng dẫn riêng về chuẩn giáo viên dạy ngoại ngữ. Tất cả các giải pháp đặt ra đều hướng đến mục đích cuối cùng là tạo môi trường tốt nhất cho việc dạy và học ngoại ngữ đạt hiệu quả.