Ấy vậy… Đùng một cái anh Lành, chị Sinh mang đơn ra tòa xin li hôn. Dân phố sửng sốt, người ta bàn tán: Hay là cái nhà anh Lành đốc chứng sinh ra cái tật “chán cơm thèm phở”… Hay là cái nhà chị Sinh đã “thay lòng đổi dạ”. Chẳng biết đường nào mà lần, chỉ thương cho hai đứa nhỏ thôi! Người ta còn đưa ra nhiều giả thiết nguyên nhân khác, tuy nhiên tất cả đều không chính xác. Cuộc li hôn này không nằm trong phạm trù đạo đức gia đình, mà trớ trêu thay trách nhiệm lại thuộc về xã hội…
Anh Lành là công nhân của Công ty Bảo dưỡng đường bộ, chị Sinh công nhân Công ty quản lý Đô thị. Hai người ở hai công ty, hai ngành nghề khác nhau. Tưởng như việc của ai người ấy làm, sẽ không hề liên quan hoặc va chạm. Thế nhưng… Tưởng vậy mà không phải vậy.
Trong thành phố còn nhiều đường phố chưa có vỉa hè và các hệ thống cống rãnh thoát nước. Những đường phố này rất trũng, đều đã xuống cấp nghiêm trọng, đầy rẫy những ổ gà, ổ trâu, ổ voi… Ngày nắng thì bụi bặm, hôm mưa lầy lội. Cứ sau những ngày mưa dầm dề, Công ty quản lý đô thị cử vài chục công nhân, tất nhiên trong số ấy có chị Sinh, tay cuốc, tay xẻng, căn dây, hồ hởi, đào đào, xúc xúc. Sau đó hình thành những cái rãnh, có cái to như giao thông hào ngày xưa, rãnh và hào có nhiệm vụ thoát nước.
Tất cả các loại nước đọng chảy xuống đấy, lúc thì ào ào, khi róc rách… nước thoát đi đâu chắc chỉ trời biết! Hết mưa, hết nước đọng, ngay tức thì những sản phẩm của chị Sinh và đồng nghiệp trở thành phản tác dụng gay gắt. Người ta trút bừa các loại phế thải xuống đấy, cái rãnh đâm ra vừa mất mỹ quan, vừa mất vệ sinh, nguy hiểm hơn nó thành cái bẫy, xe và người thi thoảng lại chổng kềnh ra đường vì nó, khối người bươu đầu, bể trán, gẫy chân, gẫy tay, và cũng không ít người lâm vào cảnh “mồm ơi ở lại răng đi nhé”!
Thế là Công ty Bảo dưỡng đường bộ phải cử vài chục công nhân, trong đó dĩ nhiên phải có mặt anh Lành đến ngay hiện trường xử lý. Tay xẻng, tay cuốc, hăng hái, hồ hởi, ồ ạt, xúc đất, xúc đá, lấp vá rãnh nước. Đương nhiên những đoạn đường ấy bắt đầu thêm phần nham nhở, chỗ thấp chỗ cao, chỗ lồi chỗ lõm. Hơn nữa nó được chế tác từ các loại vật liệu theo dạng “tạp phế lù” cho nên chính là nguyên nhân của những cơn lốc bụi khi trái gió giở giời.
Cứ như thế! Cứ như thế! Đào, lấp, lấp, đào, một năm không biết bao lần. Mưa là chị Sinh đào. Nắng là anh Lành lấp. Vấn đề bắt đầu nẩy sinh mâu thuẫn từ cái sự nghiệp đào – lấp của họ.
Một hôm anh Lành bảo vợ:
- Công ty của em là công ty dở hơi, đường xá đương yên đương lành, tự dưng đào ngang, xẻ dọc!
Chị Sinh tự ái vặc lại:
- Chính công ty của anh mới là đồ dở hơi nhá. Người ta làm sẵn hệ thống thoát nước lại ngứa chân ngứa tay đem lấp đi!
Anh Lành cười “đểu”:
- Công ty em rặt một lũ hâm hấp!
Chị Sinh đỏ mặt, tía tai:
- Công ty anh toàn một lũ điên khùng!
Anh Lành nghiến răng:
- Công ty cô toàn quân ăn hại!
Chị sinh trợn mắt:
- Công ty anh toàn lũ ngu si!
Lời qua tiếng lại, độ nặng tăng dần, số lần cãi vã cũng tăng đến chóng mặt. Không ai chịu ai, chẳng ai chịu kiềm chế, vậy là xung đột ngày thêm dữ dội. Hơn mười năm có lẻ sống với nhau tràn trề hạnh phúc, bây giờ chỉ vì cái sự nghiệp đào – lấp mà mất toi…
Hôm vừa rồi trên Truyền hình tỉnh, cùng lúc phát hai bài phát biểu của hai ông giám đốc Quản lý đô thị và Bảo dưỡng đường bộ. Ông giám đốc nào cũng hùng hồn nói: “ Do năng động sáng tạo và sự tích cực của cán bộ công nhân trong năm qua đã (đào –lấp) được X km góp phần làm sạch đẹp đường phố…”
Nghe đến đây thì mâu thuẫn của anh chị Lành, Sinh lên đến đỉnh điểm, và họ quyết định đâm đơn ra tòa. Thật đúng là một vụ li hôn thật vô lý!