Xưởng chế biến cà phê của Công ty trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu cà phê Việt Bắc (gọi tắt là Công ty Việt Bắc) có trụ sở tại bản Pá Cha (xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên). Nguồn nước thải từ hoạt động sản xuất cà phê được phía công ty cho xả trực tiếp ra suối khiến dòng suối Nậm Ẳng đổi thành màu đen, bốc mùi hôi thối.
Theo phản ánh của những hộ sống gần khu vực chế biến cà phê của công ty này, hoạt động chế biến cà phê, xả nước thải ra môi trường của công ty đã diễn ra từ lâu, gây mùi hôi thối, khiến không khí quanh khu vực trở nên ngột ngạt.
Là người sống ngay cạnh nhà máy chế biến cà phê của Công ty Việt Bắc, anh Quàng Văn Đoàn, bản Pá Cha, xã Ẳng Tở bức xúc cho biết: Nhà máy đốt than, khiến khói mù mịt quanh khu vực nhà anh. Ngoài ra, mùi hôi thối từ hoạt động sản xuất cà phê cũng đã làm cho bữa ăn cơm của gia đình anh mất ngon. Do đó, để đảm bảo sức khỏe của các con, anh đã phải đưa các cháu sang nhà ông bà.
Từ phản ánh của người dân, ngày 22/10/2019, chính quyền huyện Mường Ảng đã thành lập tổ kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra quá trình chế biến cà phê của Công ty Việt Bắc và yêu cầu đơn vị tạm dừng chế biến cà phê, để khắc phục tu sửa lại hệ thống ao lắng xử lý nước thải.
Tuy nhiên, khi phía Công ty Việt Bắc đang tạm dừng hoạt động để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, các thương lái từ tỉnh Sơn La lên thu mua cà phê đã ép giá đối với người dân từ 5.000 đồng/kg quả tươi xuống còn 4.500 đồng/kg.
Rơi vào tình cảnh bị ép giá, nên ngày 27/10/2019, đồng loạt nhiều hộ dân ở xã Ẳng Tở đã phải viết đơn đề nghị gửi UBND xã Ẳng Tở và UBND huyện Mường Ảng xem xét cho Xưởng chế biến cà phê của Công ty Việt Bắc được hoạt động trở lại để thu mua nông sản cho người dân, tránh tình trạng các thương lái từ Sơn La ép giá khiến người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Trong ngày 27/10/2019, phía Công ty Việt Bắc cũng có đơn đề nghị UBND huyện Mường Ảng cho phép tiếp tục thu mua và chế biến cà phê tại xưởng. Trong đơn có trình bày phía công ty đã tiến hành khắc phục cải tạo lại hệ thống xử lý nước thải qua các ao lắng.
Tuy vậy, ngày 7/11/2019, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Điện Biên cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Ảng sau khi tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến cà phê tại Xưởng chế biến cà phê của Công ty Việt Bắc đã đề nghị Công ty Viêt Bắc tạm dừng hoạt động để xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp trước khi xả thải ra môi trường; yêu cầu công ty vận chuyển và xử lý toàn bộ lượng bã thải tại ao chứa đầu tiên; có giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường suối Nậm Ẳng.
Thực tế, theo quan sát của phóng viên vào ngày 2/12/2019, nguồn nước thải từ Xưởng chế biến cà phê của Công ty Việt Bắc vẫn chảy ra suối Nậm Ẳng khiến màu nước dòng suối này có màu đen và bốc mùi hôi thối.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Việc xả thải từ hoạt động chế biến cà phê của Công ty Việt Bắc thực tế đang gây ô nhiễm môi trường. UBND huyện Mường Ảng cũng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với Công an huyện tiến hành kiểm tra, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính; đồng thời, yêu cầu công ty khắc phục. Cụ thể là yêu cầu phía công ty đào thêm 2 ao lắng, để hạn chế thải ra môi trường.
Phương án lâu dài là xây dựng nhà máy chế biến cà phê mới với quy trình khép kín, sau khi xay xát cà phê sẽ tiến hành xử lý luôn vỏ thải cà phê để làm phân bón vi sinh. Thực tế, Công ty Việt Bắc phải tổ chức xây dựng nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu trên địa bàn huyện Mường Ảng từ sau khi được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 14/10/2017. Song do giá cà phê trong hai năm 2017 - 2018 xuống thấp, phía công ty đã “chần chừ” chưa xây dựng nhà máy. Vào tháng 6/2019, Công ty Việt Bắc xin phép mở rộng quy mô nhà máy nên đã tiến hành san ủi mặt bằng tại khu vực đồi Tăng (bản Co Có, xã Ẳng Tở). Tuy nhiên, do quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư mở rộng nhà máy của UBND tỉnh đến nay đã hết hiệu lực; mặt khác, khi thay đổi quy mô nhà máy phải lập lại chủ trương đầu tư trình các sở, ngành và UBND tỉnh phê duyệt lại, nên đến thời điểm hiện tại, nhà máy chế biến cà phê mới chưa được xây dựng. Vì vậy, Công ty Việt Bắc vẫn hoạt động ở nhà máy hiện tại.
Trước tình trạng trên, tạm thời UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền xã Ẳng Tở cho phía Công ty Việt Bắc mượn đất ở khu vực đồi Tăng để sau khi sơ chế cà phê tại nhà máy hiện tại, Công ty sẽ tiến hành chở vỏ cà phê đến khu đất này, rắc vôi bột ủ lại nhằm làm phân bón vi sinh, giúp hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường tại khu sản xuất. Về lâu dài, khi nhà máy chế biến mới được xây dựng sẽ hoạt động theo mô hình khép kín, nhằm đảm bảo môi trường.
Theo ông Phạm Bá Phương, Phó Giám đốc Công ty Việt Bắc, thời điểm hiện tại, công ty đã trình hồ sơ lên UBND tỉnh Điện Biên xin chủ trương xây dựng nhà máy chế biến cà phê, tăng công suất lên gấp đôi so với dự án cũ. Phía công ty sẽ thúc đẩy để có thể tiến hành đầu tư xây dựng vào đầu năm 2020.
Tương tự như hoạt động chế biến cà phê, thời điểm này, người dân ở các xã Nà Tấu, Nà Nhạn (huyện Điện Biên) cũng phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do hoạt động chế biến củ dong riềng. Một số cơ sở chế biến không thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường, ngang nhiên xả bã dong riềng, nước thải ra sông, suối, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Ông Giàng A Chợ, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu, huyện Điện Biên (Điện Biên) cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 8 cơ sở sơ chế dong riềng. Hàng năm, UBND xã tiến hành cho các cơ sở này ký cam kết về bảo vệ môi trường. Trong đó, yêu cầu các cơ sở xây dựng 3 ao lắng để xử lý vi sinh đối với nước thải và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường; đối với bã thải dong riềng phải thu gom, vận chuyển đi nơi khác không được thải ra môi trường; trước khi vào sản xuất chế biến phải xây dựng, cải tạo hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải nhằm đảm bảo quy trình trước khi xả ra môi trường.
Tuy nhiên, một số cơ sở đã không thực hiện nghiêm túc cam kết này và vẫn xả thải ra các con sông, suối gây ô nhiễm môi trường. Từ năm 2018 - 2019, cơ quan chức năng đã cho dừng hoạt động 2 cơ sở chế biến dong riềng do không đủ diện tích ao chứa chất thải. Trong thời gian tới, xã Nà Tấu sẽ đề nghị các cấp nghiên cứu giảm bớt các cơ sở chế biến dong riềng không đảm bảo vấn đề môi trường.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Trần Thị Thanh Phượng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên) cho biết: Hiện tại Điện Biên có 3 loại hình sản xuất là chế biến cà phê, dong riềng và sắn, trong đó có 14 cơ sở chế biến dong riềng (huyện Điện Biên 11 cơ sở, huyện Mường Chà 3 cơ sở); 16 cơ sở chế biến Cà phê chủ yếu tập trung ở huyện Mường Ảng; 1 cơ sở chế biến tinh bột sắn tại huyện Điện Biên. Đối với loại hình chế biến cà phê và dong riềng chủ yếu sản xuất theo mô hình nhóm hộ, gia đình. Các loại hình này có lượng phát sinh chất thải rất lớn, đặc biệt là nước thải và bã thải trong khi công nghệ sản xuất của các cơ sở này đa phần chưa đáp ứng được yêu cầu về môi trường. Hằng năm, vào khoảng thời gian từ tháng 11 là vào vụ thu hoạch, chế biến cà phê và dong riềng, do sản xuất tập trung và ồ ạt nên không tránh khỏi ô nhiễm cục bộ ở một số khu vực.
Trước mắt, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên đã đề nghị UBND các huyện tiến hành rà soát, đánh giá các cơ sở chế biến cà phê, dong riềng, tinh bột sắn về các điều kiện, tiêu chuẩn trong quá trình hoạt động sản xuất cũng như quy trình xử lý chất thải. Nếu cơ sở nào không đáp ứng yêu cầu, lực lượng chức năng sẽ cho tạm dừng hoạt động để cải tạo theo đúng yêu cầu và nếu không thực hiện sẽ tiến hành thu hồi giấy phép hoạt động.
Về lâu dài, Sở Tài Nguyên và Môi trường cũng sẽ đề nghị UBND các huyện, sở, ngành liên quan xem xét, bố trí quỹ đất để đưa các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vào sản xuất tập trung, thuận lợi cho việc xây dựng công trình thu gom xử lý chất thải tập trung.