Đối với mỗi phương tiện tham gia giao thông, chiếc còi được coi là thiết bị gắn liền không thể thiếu. Tùy từng đặc thù phương tiện, nhà sản xuất thiết kế các loại còi khác nhau. Mỗi chiếc còi đều có tiêu chuẩn cụ thể về âm lượng, độ vang, kiểu phát tín hiệu. Cơ quan chức năng cũng có quy định cụ thể về những trường hợp cần bóp còi, quy cách bấm còi và những khu vực không được kéo còi.
Vậy nhưng, nếu thường xuyên tham gia giao thông trên các tuyến đường Hà Nội, người ta đã quá quen với những tình huống bóp còi inh ỏi ở các khu vực dừng đèn đỏ. Mặc dù tín hiệu đèn đỏ đang bật, mọi người đang nghiêm chỉnh đứng chờ, ấy nhưng, không hiểu vì lý do gì, phía sau, vẫn có những hồi còi “bíp bíp” vang lên. Khi quay đầu nhìn lại, mới nhận ra, hầu hết các tiếng còi vô duyên ấy chủ yếu là để yêu cầu người đang dừng xe phía trước tránh đường để họ…vượt đèn đỏ. Chẳng hiểu họ có việc gì khẩn cấp? Cũng không hiểu họ có thuộc luật giao thông để biết rằng, khi gặp đèn đỏ là phải dừng lại hay không? Nhưng hình như, với những người ấy, chắc họ không có quan niệm dừng lại bởi bất cứ thứ tín hiệu nào. Và lúc này, cái còi như một công cụ để họ thể hiện sự vô duyên, bất chấp luật lệ.
Bóp còi để đòi vượt lên trước là trường hợp thường gặp, bực bội một chút rồi thôi. Với những người tham gia giao thông, nhất là vào ban đêm, tại các tuyến đường vắng, điều mà họ sợ nhất là tiếng còi rền vang của cả một đoàn xe. Nghe tiếng còi ấy, hầu hết người đi đường đều luống cuống, sợ hãi, không biết nên nhường đường cho những kẻ “to còi” ấy kiểu gì. Có khi chưa kịp quyết định xong, đoàn xe đã vun vút lao qua, lách bên này, lạng bên nọ. Trên xe là những cậu thanh niên đang cười khoái trá vì đã “dọa ma” khiến nhiều người đi đường sợ hãi. Nhiều lần gặp những tiếng còi “khủng khiếp” này, điều đầu tiên tôi làm là tấp luôn xe vào lề đường, bóp phanh, dừng lại. Bởi, với những đoàn xe đi theo kiểu đường của riêng mình ấy, tránh bên phải hay bên trái với họ cũng đều là vô nghĩa. Cứ tiện bên nào, dừng xe bên đó cho “lành”. Vừa dừng xe, vừa hi vọng sẽ không bị chúng đâm vào mình, mà nếu có đâm, khi mình dừng lại rồi, thương tích chắc cũng nhẹ hơn là lơ ngơ tấp bên phải, lượn bên trái để tránh?!?
Nhiều người đi đường có kinh nghiệm, chỉ cần nghe tiếng còi, họ sẽ phân biệt được đâu là tiếng còi của xe máy, đâu là còi của ô tô, đâu là còi của các xe làm nhiệm vụ đặc biệt như: cấp cứu, cứu hỏa, dẫn đoàn… để biết cách nhường đường cho phù hợp. Song, những năm gần đây, khi “độ còi” trở thành một thú chơi của không ít “quái xế”, việc nhận biết các loại còi để tránh đã trở nên khó khăn với rất nhiều người. Có lần, đang đi chầm chậm bên tay phải, theo làn đường của mình, tôi giật mình khi thấy có hồi còi réo rắt phía sau, nghe rất giống còi của xe cấp cứu. Vội vàng giảm tốc độ, táp sát vào lề đường. Khi quay lại nhìn, chẳng thấy chiếc xe cấp cứu nào cả, mà chỉ thấy chiếc xe máy chở 3 cậu “tóc xanh tóc đỏ” cười hô hố đi qua.
Nhưng trường hợp đó còn chưa đáng ngại bằng những trường hợp cố tình dùng tiếng còi xe để “dọa” người đi đường, nhất là các thiếu nữ tham gia giao thông một mình. Cách của các đối tượng này là “thửa” cho mình cái còi thật “khủng”, tiếng kêu thật vang, to. Khi xuống đường, chúng sẽ đi với tốc độ vừa phải, thậm chí là chầm chậm để vè vè theo sau xe của các bạn nữ. Sau đó, đợi lúc chủ các phương tiện không để ý, chúng sẽ đột ngột bóp còi, khiến phương tiện đi trước giật bắn mình. Tôi đã từng chứng kiến, có một bạn sinh viên nữ, khi gặp tiếng còi “dọa ma” kia đã hốt hoảng phanh gấp, bị ngã lăn ra đường. Vậy mà, kẻ gây ra tai nạn vẫn có thể quay đầu lại tủm tỉm cười rồi vọt ga lên đi tiếp, coi như mình vừa lập xong một “chiến tích” nhờ tiếng còi độc địa.
“Còi to cho vượt”! Đây được coi như một phương châm, quan điểm, hay một thứ “hiển nhiên” khi tham gia giao thông. Nhưng, nhiều lúc gặp những tiếng “còi to”, người ta không biết phải “nhường” bằng cách nào. Có những lần, vào giờ cao điểm, trên những tuyến đường, cả dòng người đều phải chầm chậm nhích từng bước đầy kiên trì, nhẫn nại. Đúng lúc ấy, mọi người lại phải bực bội khi nghe những tiếng còi lạc lõng vang lên. Biết là không thể vượt được lên. Biết là người ta chẳng có đường nào khác để mà tránh, ấy vậy nhưng, chủ của cái phương tiện kia vẫn vô duyên bóp còi. Mà không chỉ bóp tiếng một khoan nhặt, có khi, họ bóp liên tục, liền mạch, như để tra tấn người khác. Nghe những hồi còi đó, hầu như ai cũng phải ngoái đầu nhìn lại, để xem chủ nhân của tiếng còi vô duyên, thiếu ý thức ấy là ai. Nhưng có lẽ, riêng chủ nhân của tiếng còi vẫn lờ đi, như không hề biết mình đang là tâm điểm của sự xấu xí trên đường.
Đi xe là phải có còi. Trong nhiều trường hợp, nếu không sử dụng còi còn gây nguy hiểm cho người khác. Nhưng, sử dụng còi như thế nào khi tham gia giao thông cũng là điều mà thiết nghĩ chúng ta mỗi khi ra đường cần phải lưu ý. Chiếc còi xe sinh ra chỉ để giúp chủ nhân của phương tiện tham gia giao thông được thuận tiện, an toàn. Vì vậy, đừng coi nó là một thú chơi quái đản để ra oai hoặc thể hiện “chất chơi” của mình. Ở góc độ nào đó, tiếng còi lạc lõng ấy không chỉ thể hiện sự thiếu văn hóa giao thông, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật giao thông, cần bị nghiêm trị.