Chẳng hạn như, nơi đâu cấm đổ rác thì y như rằng nơi đó rác chất cao như núi. Nơi nào cấm tiểu tiện thì nơi đó lại phảng phất mùi amoniac nồng nặc khiến người đi đường phải nín thở bước đi nhanh. Thậm chí, những biển cấm ấy không do dân bày ra mà do chính quyền địa phương treo, có cả thông tin xử phạt hành chính về vi phạm luật phá hoại, gây ô nhiễm môi trường nhưng chẳng ai màng quan tâm.
Chiến dịch thả cá xuống kênh, sông của các ban ngành ở nhiều địa phương là một hành động ý nghĩa nhằm bảo vệ môi trường. Song song với thả cá, chính quyền địa phương còn kèm theo biển cấm. Nhưng cấm hôm trước thì hôm sau đã có người đến câu ngang nhiên như ao nhà mình. Dù biết rằng mình sai nhưng các "cần thủ" say mê câu hàng giờ. Có người câu được cả xô cá mang về nhà chế biến thực phẩm. Hay nhiều lần đoàn thanh niên, dân quân, chính quyền địa phương đi nạo vét, vớt rác ở những kênh đen nhưng vài tháng sau lại nguyên hiện trạng. Nguyên do là những hộ dân sống gần kênh rạch cứ tiện tay vứt rác xuống kênh nên con kênh trở nên đen ngòm và bốc mùi kinh khủng.
Ở những nước bạn, chẳng hạn như Singapore, hành động hủy hoại môi trường như xả rác, tiểu tiện, phá hoại tài sản của công... sẽ bị phạt tiền rất cao, có thể sẽ ngồi tù hoặc bị đánh vài chục gậy. Thiết nghĩ ở Việt Nam ta nên có những biện pháp cứng rắn tương tự, dùng luật pháp chế tài để răn đe những ai xem thường biển cấm. Như vậy mới mong môi trường trong lành, thành phố văn minh, con người có ý thức.