Đúng là công việc nào, ban ngành nào cũng cần phải họp. Dù nó mang tầm vĩ mô hay vi mô thì họp vẫn là cách để giải quyết vấn đề trước khi ban hành một quyết định. Bởi chỉ có ngồi lại với nhau, đóng góp ý kiến xây dựng, đưa ra những sáng kiến tuyệt vời, biểu quyết công bằng mới giúp công việc đạt được kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên ở họ không họp nhiều như nước ta. Bởi theo một số người bạn bản địa thì họp quá nhiều chẳng những không đem lại ích lợi gì mà gây ra những lãng phí.
Ở nước ta, chuyện họp như dùng cơm mỗi ngày. Quanh năm họp triền miên, chuyện gì họp cũng được. Có những cơ quan Nhà nước cấp địa phương họp triền miên, dù không có gì quan trọng cũng họp. Từ ấp, phường, xã cho đến quận, huyện (chưa kể đến sự họp của các ban ngành đoàn thể địa phương)… Nhiều khi tôi nghĩ, cứ họp nhiều như thế thì chúng ta lấy đâu thời gian để thực hành, làm việc để tạo ra năng suất lao động, giúp ích cho bản thân, gia đình, xã hội? Họp nhiều chẳng những gây lãng phí thời gian mà còn tốn tiền (tính luôn cả thời gian không làm). Chi phí cho các cuộc họp bao giờ cũng trả giá bằng tiền, tùy vào kinh phí của đơn vị, nhưng chung quy cũng là tiền của dân.
Đó là chưa nói một số cuộc họp có cả việc nhận phong bì, kể cả những sự kiện từ cơ quan nhà nước cho đến tư nhân. Đi họp là có phong bì, tùy vào chức vụ, mức độ ảnh hưởng của người đó mà phong bì "nặng" hay "nhẹ". Tại sao ở phương Tây lại không có chuyện này? Theo một giảng viên môn PR của trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, nếu không có phong bì thì không "thu hút" mọi người đến dự cuộc họp. Cũng giống như muốn khán giả đến trường quay tham dự một game show thì nhà đài phải chịu "chi", thì họ mới vỗ tay, khóc, cười, hò hét rần rần. Và sau một số cuộc họp được cho là "cần thiết", người ta lại tổ chức ăn uống nhộn nhịp. Tính ra mất cả ngày để họp và số tiền cho bữa tiệc chẳng nhỏ tí nào.
Cũng từ việc đi họp quá nhiều (nhất là người thường được cơ quan cử đi họp) sinh ra lười vận động, lười tư duy và tư tưởng luôn chỉ nằm trên bàn giấy chứ không nghĩ đến thực hành. Đó là lý do có nhiều quy định "trên trời", xa rời thực tế là thế. Họp, chủ tọa nói quá nhiều, dài dòng, lê thê, dẫn đến việc những người bên dưới ngán ngẩm. Tiếp thu thì ít mà buồn ngủ, thiếu sinh động thì nhiều.
Đã có rất nhiều hình ảnh đại biểu Quốc hội ngồi ngủ trong hội trường hoặc làm chuyện riêng như lướt web trên thiết bị di động cá nhân, trò chuyện... Cái sự họp nó ồn ào đến nỗi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phải than thở rằng: "Việc khó nhất của Bộ trưởng là phân công Thứ trưởng đi họp". Ông còn nêu chi tiết ra rằng: mỗi tuần nhận trung bình 30 thư mời đi họp, có tuần 40 cuộc họp. Có lẽ không riêng gì Bộ Kế hoạch - Đầu tư mà ngay cả nhiều bộ khác khác cũng rơi vào tình cảnh này. Sáng nay 31/8/2016, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đề cập đến việc lạm họp, yêu cầu giảm họp hành và cho rằng chỉ ngồi bàn giấy thì chính sách xa thực tiễn. Ngay cả Thủ tướng còn bức xúc thì nói gì đến người dân.
Cần khẳng định, trong công việc, họp là điều cần thiết. Tuy nhiên nên sắp xếp, bớt họp, giảm tải thời gian các cuộc họp mà thay vào đó là LÀM. Bởi song song với nói là cần phải làm và làm nhiều hơn để tăng năng suất, giàu kinh nghiệm cũng như không lãng phí tiền bạc của dân.