Theo ông Đàm Ngọc Uyển, trú thôn Năm Tầng, xã Đắk R’la, đoạn cuối trên tuyến đường nối liền 2 xã Đắk R’la và Cư K’nia là “đoạn đường đau khổ” đã hơn 1 năm nay. Đây là tuyến đường độc đạo từ hàng chục năm nay để hàng trăm hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông tại 2 xã di chuyển qua lại, vận chuyển nông sản.
Trước đây, nhiều vị trí quanh co, có độ dốc lớn trên đoạn đường này đã được bà con đóng góp tiền, công lao động để đổ đường bê tông (bề ngang khoảng 1m) để thuận tiện cho việc đi lại. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, nhà thầu thi công nâng cấp, mở rộng đường này đã cho san ủi, mở rộng đường, “xóa sổ” luôn nhiều vị trí đã được đổ bê tông của bà con.
“Họ hứa sẽ đổ đá cấp phối và làm đường bê tông rộng cho bà con thuận tiện đi lại. Người dân rất vui mừng. Nhưng sau khi tuyến đường được san ủi, mở rộng thì nhà thầu lại bỏ ngang và tập trung thi công một số đoạn, tuyến cách vị trí này khoảng 5 – 7km”, ông Uyển chia sẻ thêm.
Theo các hộ dân địa phương, trên đoạn đường dài hơn 3km có khoảng 5 vị trí là hầu như không thể đi lại được. Nguyên do là tại các vị trí này, nhà thầu thi công đã cho san ủi đất, mở rộng lòng, lề đường hơn 1 năm nay. Sau đó, nhiều phương tiện xe cơ giới, xe cày đã cày xới và biến các vị trí này thành những ao, vũng lầy lớn. Để di chuyển qua đoạn đường này, người dân buộc phải mở đường băng qua vườn cao su, vườn cà phê của các hộ dân liền kề. Đã xảy ra nhiều vụ tai nạn do mặt đường quá lầy lội, nhiều vũng bùn, vũng lầy, trơn trợt.
Theo ông Trần Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Đắk R’la, khoảng đầu tháng 9/2023, khi đoàn công tác của tỉnh Đắk Nông về thôn Năm Tầng để tặng quà cho một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn thì một số đoạn, vị trí trên đường này là không thể di chuyển được bằng xe ô tô và “đường cơ bản không đi được”. Nhiều hộ dân cũng phản ánh là đã ngã, bị tai nạn khi di chuyển qua các đoạn đường sình lầy, trơn trượt. UBND xã Đắk R’la đề nghị đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải triển khai sớm các biện pháp, giải pháp đảm bảo việc lưu thông, đi lại bình thường cho bà con, nhất là trong bối cảnh đang bước vào mùa khô và nhu cầu đi lại để thu hoạch nông sản, tưới nước, chăm sóc cây trồng của người dân là rất lớn.
Trao đổi với phóng viên tại hiện trường, ông Trần Đình Tuấn, Giám sát trưởng công trình cho biết, đây là đoạn tuyến thuộc dự án đường giao thông từ thôn 1 vào vùng đồng bào dân tộc Mông (thôn Năm Tầng, xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil) đến xã Cư K’nia (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông). Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án giao thông, dân dụng, công nghiệp tỉnh Đắk Nông (nay là Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông). Tuyến đường có tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng và đang trong giai đoạn đầu tư, xây dựng.
Theo Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông, liên quan tới việc đảm bảo lưu thông cho người dân trong quá trình cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông, tháng 9/2023, Sở đã có công văn gửi các đơn vị chủ đầu tư, UBND các huyện, thành phố yêu cầu phải có phương án tổ chức thi công phù hợp, đúng quy định; thi công gọn gàng, không dàn trải, ưu tiên xử lý các vị trí hư, hỏng trên tuyến đang được cải tạo, nâng cấp. Đáng chú ý hơn, Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông cũng lưu ý, trong quá trình thi công, xây dựng các tuyến đường, phải đảm bảo lưu thông thông suốt, an toàn; kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm, tạm đình chỉ thi công các trường hợp cố tình vi phạm. Nếu để xảy ra tai nạn giao thông do quá trình thi công gây ra, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.