Hà Nội phát triển hệ thống đường giao thông kết nối

Xác định đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội và Vùng Thủ đô là nhiệm vụ cấp thiết, sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, thành phố Hà Nội đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông; trong đó, nhiều dự án giao thông trọng điểm đã được triển khai, đưa vào sử dụng góp phần nâng cao năng lực, giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô.

Chú thích ảnh
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Trong số nhiều công trình giao thông được đưa vào sử dụng trong 15 năm qua, tiêu biểu như: Đại lộ Thăng Long dài gần 30 km thông xe vào ngày 25/9/2010 nối liền trung tâm Hà Nội với cửa ngõ phía Tây; tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dài 13,05 km với 12 ga trên cao, khởi công xây dựng từ tháng 10/2011, đưa vào khai thác từ ngày 6/11/2021. Sau khi đưa vào vận hành, tuyến đường sắt này đã tạo hình ảnh văn minh, hiện đại cho hệ thống vận tải hành khách công cộng, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực phía Tây thành phố. 

Tuyến đường Vành đai 3 dài khoảng 65 km, đi qua 9 quận, huyện của Hà Nội; đồng thời, kết nối mọi tuyến đường cao tốc đến Hà Nội với các khu vực khác. Tuyến vành đai này là sự kết nối các tuyến đường có sẵn như: Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm, cầu cạn Pháp Vân, cầu Thanh Trì; quốc lộ 1A mới, đoạn từ cầu Thanh Trì đến xã Ninh Hiệp (Gia Lâm) là tuyến đường đầu tiên có cầu cạn theo chuẩn cao tốc. 

Tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn qua nút giao Ngã Tư Vọng khánh thành ngày 11/1/2025, thuộc tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín (Vành đai 2) của Hà Nội đi qua 8 quận, huyện của thành phố Hà Nội. Năm 2013, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được đề xuất và chấp thuận nâng cấp thành đường cao tốc, thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông có thu phí. 

Cùng với hàng loạt tuyến đường, các cây cầu, hầm chui, nút giao cũng được đầu tư xây dựng giải tỏa áp lực giao thông cho nhiều khu vực như: Cầu Vĩnh Tuy dài 5,8 km, bắc qua sông Hồng, nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên được đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào ngày 26/9/2010, dự kiến đưa vào khai thác giai đoạn 2 vào tháng 9/2023. Cầu Đông Trù Được khởi công vào ngày 10/9/2006 và khánh thành ngày 9/10/2014, là cây cầu trọng điểm nối liền huyện Đông Anh với quận Long Biên. Cầu có chiều dài 1.240 m; trong đó, cầu chính dài 500 m, được xây dựng theo kiểu vòm ống thép nhồi bê tông.Tinh đến thời điểm hiện tại cây cầu này được coi là cầu vượt sông rộng nhất Việt Nam.

Công trình hầm chui Lê Văn Lương khởi công vào tháng 10/2020, khánh thành vào tháng 10/2022 đã giảm bớt áp lực giao thông cho tuyến đường Lê Văn Lương và khu vực lân cận, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc Hà Nội. Hầm có chiều dài 475 mét, rộng 7,5m; trong đó, hầm kín dài 95m gồm 2 làn xe cơ giới. 

Các công trình cầu vượt nút Bắc Hồng (huyện Đông Anh); đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; đường Vành đai 3,5 đoạn Đại lộ Thăng Long - quốc lộ 32; Nút giao Cổ Linh giữa Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng... cũng hoàn thành đưa vào khai thác góp phần nâng cao năng lực giao thông, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho Thủ đô.

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, trong khi số lượng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn Thủ đô tăng mạnh nhưng tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp, tình trạng ùn tắc còn diễn biến tương đối phức tạp, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, ưu tiên triển khai Vành đai 4 để mở rộng không gian phát triển của thành phố; các tuyến trục chính hướng tâm như Quốc lộ 1, Quốc lộ 6; trục Tây Thăng Long và các tuyến đường có tính kết nối, các cầu qua sông để tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực; đồng thời, tăng cường duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo chất lượng, an toàn cho người và phương tiện…

Giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố tập trung phát triển hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường tỉnh lộ, đường vành đai; trong đó, đầu tư khép kín 7 tuyến đường vành đai giao thông Thủ đô nối Hà Nội với các tỉnh, kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, kết nối nội vùng và liên vùng.

Cùng với đó, thành phố hiện đại hóa các tuyến đường trục giao thông chính của Thủ đô, phát triển hệ thống giao thông công cộng đồng bộ có sức chở lớn, bến, bãi đỗ xe và đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027.

Tuyết Mai (TTXVN)
Ngành giao thông tập trung ứng phó mưa lũ, sạt lở đất ở Tây Nguyên, Bắc Bộ
Ngành giao thông tập trung ứng phó mưa lũ, sạt lở đất ở Tây Nguyên, Bắc Bộ

Bộ Giao thông vận tải vừa có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị tiếp tục tập trung ứng phó mưa lũ khu vực Tây Nguyên, Bắc Bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN