Nhiều khó khăn
Ông Phạm Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tuyên Quang cho biết, xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn là nội dung thuộc Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025, được HĐND tỉnh thông qua. Đây là chủ trương đúng đắn, được chính quyền và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đối với các công trình cầu trên đường giao thông nông thôn, Nhà nước đầu tư 100% kinh phí xây dựng, nhân dân tự nguyện giải phóng mặt bằng phạm vi xây dựng cầu, đường dẫn và đường kết nối. Nhiều công trình cầu đi qua đất sản xuất của nhân dân. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, quỹ đất hạn chế, nhất là đất sản xuất cùng với việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Phạm Văn Sang, phần lớn các công trình cầu nằm rải rác, trải dài tại những địa bàn khó, vùng sâu vùng xa, điều kiện đi lại, vận chuyển máy móc thi công khó khăn; thời tiết không thuận lợi, mưa bão nhiều cũng gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công.
Cụ thể, cầu Là Nga được xây dựng tại thị trấn Lăng Căn (huyện Lâm Bình) hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 5/2023, chậm gần 1 tháng so với dự kiến. Theo ông Lý Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Can, cầu Là Nga đi qua đất sản xuất của 3 hộ dân, trong đó 2 hộ đã đồng ý hiến đất, còn 1 hộ không nhất trí với lý do không còn đất sản xuất. Trước thực tế đó, đơn vị thi công đã trao đổi với chủ đầu tư và chính quyền địa phương, điều chỉnh phương án thiết kế phần đường dẫn cầu, ốp mô cầu từ tứ nón sang xây tường chắn để vừa đảm bảo an toàn thiết kế vừa giữ lại đất sản xuất cho người dân.
Theo kế hoạch, cây cầu Trại Bò (thôn Trấn Khiêng, xã Phú Lương, huyện Sơn Dương) khởi công ngày 5/8/2023. Tuy nhiên chỉ sau 2 ngày, do mưa lớn, toàn bộ máy móc lắp đặt chuẩn bị thi công bị ngập sâu, khu vực lán nghỉ bị nước cuốn trôi. Ông Lê Văn Quyền, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Long Thắng (đơn vị thi công) cho biết, địa bàn xây dựng cầu là thung lũng nên mưa chỉ kéo dài 1 giờ là nước dồn về, dâng cao. Bởi vậy, từ tháng 8 đến nay, công trình vẫn chưa thể tiếp tục thi công.
Kịp thời tháo gỡ
Theo thiết kế, cây cầu Phai Đá nằm trên diện tích đất 2 thôn Phai Đá và Đán Khao (xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn); trong đó, trực tiếp đi qua hơn 1.000 m2 đất sản xuất của 10 hộ dân thôn Phai Đá. Ông Mông Thanh Vấn, Chủ tịch UBND xã Chiêu Yên cho biết, chính quyền xã đã tích cực vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị của công trình cầu giao thông nông thôn. Cụ thể, cán bộ thôn Đán Khao đã tổ chức họp giải thích, phân tích và đồng thuận góp 5 triệu đồng/hộ để hỗ trợ 10 gia đình ở thôn Phai Đá mua đất sản xuất mới, khẩn trương giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công.
Tương tự, cây cầu Là Nga đi qua đất của hơn chục gia đình thôn Nà Kham (xã Năng Khả, huyện Lâm Bình). Chị Hoàng Thị Huế, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Kham cho biết, phát huy tinh thần gương mẫu của người đảng viên, chị đã đổi mảnh ruộng 900 m2 của gia đình lấy mảnh ruộng 700 m2 của một gia đình có cầu đi qua. Sau đó, chị tự nguyện hiến hơn 100 m2 đất xây cầu. Ngoài ra, chị còn cùng cán bộ thôn vận động thêm 10 hộ dân khác hiến trên 800 m2 đất, lùi tường rào để làm cầu.
Cùng sự đồng thuận của nhân dân, các đơn vị thi công đã thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp kịp thời triển khai xây dựng cầu đảm bảo tiến độ. Là một trong số các đơn vị thi công, ông Lã Chí Quân, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đông Bắc chia sẻ, có địa điểm xây cầu cách trung tâm xã hơn chục cây số, địa hình khó khăn, đơn vị vừa phải kè, vừa phải mở đường để vận chuyển máy móc, thiết bị; đồng thời, đẩy mạnh công tác dân vận để người dân đồng thuận cho mở đường chở vật liệu qua đất. Đơn vị tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tập trung máy móc thiết bị, tăng cường thêm nhân lực, bố trí làm tăng ca để bù lại tiến độ thi công các hạng mục do ảnh hưởng của thời tiết…
Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, Tuyên Quang hoàn thành xây dựng ít nhất 200 cây cầu giao thông nông thôn tại 7 huyện, thành phố. Đến nay, 77 cây cầu (phân bổ của năm 2021, 2022) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, mang lại diện mạo mới cho nhiều vùng khó khăn; 39 cây cầu (của năm 2023) đang được tỉnh khẩn trương đầu tư xây dựng.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả chủ trương xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, ông Phạm Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Tuyên Quang cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa phát triển giao thông nông thôn; huy động mọi thành phần kinh tế và người dân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra toàn diện việc tổ chức thực hiện, hoàn thành xây dựng cầu hàng năm theo đúng tiến độ, kế hoạch. Các ngành chức năng tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở cơ sở; xây dựng chương trình, kế hoạch nhu cầu nguồn vốn phục vụ công tác đầu tư, hạ tầng giao thông nông thôn những năm tiếp theo kịp thời, hiệu quả...