Lấp khoảng trống trong quản lý cây xanh ở trường học

Với những cây nghiêng trên 45 độ, cây nặng tán, là những dấu hiệu cần đặc biệt quan tâm để phòng ngừa cây đổ, gãy.

Cây xanh là một phần không thể thiếu trong trường học. Tuy nhiên, sau vụ việc cây gãy đổ, gây chết người tại một trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh, các trường trên địa bàn Thủ đô cần phải có những phương án thực hiện cắt tỉa cây xanh thường xuyên hơn. Vì trên thực tế, một số trường học ở Hà Nội cũng đã từng xảy ra cây xanh bị gãy đổ nhưng chưa gây thiệt hại về người. 

Chú thích ảnh
Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn. Ảnh minh họa: An Đăng/TTXVN

Theo ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, sau vụ việc cây ngã đổ, gây chết người ở Thành phố Hồ Chí Minh, các trường học cần phải có những phương án thực hiện cắt tỉa cây xanh thường xuyên. Đặc biệt là phối hợp với cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn, chăm sóc, duy tu hệ thống cây xanh trong trường học.

Theo Quyết định 41 ngày 19/9/2016 của UBND thành phố Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội được giao quản lý cây xanh bóng mát trên đường phố lớn có tên trên địa bàn 12 quận. Cũng theo quyết định trên, UBND thành phố Hà Nội giao các quận quản lý cây xanh ở đường ngõ xóm, trong các trường học; còn trong khuôn viên của các tổ chức cá nhân, đơn vị đó quản lý.

Theo ông Nguyễn Đức Mạnh, để cây xanh trồng trong trường học hạn chế đến mức thấp nhất gãy đổ, các trường trên địa bàn cần thực hiện thăm khám “sức khỏe” cho cây định kỳ.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm trồng, chăm sóc và quản lý cây xanh, ông Nguyễn Đức Mạnh cho rằng về cảm quan, các trường có thể phát hiện ra những cây, cành sâu mục khi thân cây xuất hiện những lỗ, vỏ xuất hiện vết đen loang ra thân. Với những cây nghiêng trên 45 độ, cây nặng tán, cũng là những dấu hiệu cần đặc biệt quan tâm để phòng ngừa cây đổ, gãy.

Về công tác xử lý, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, trong trường hợp phát hiện ra cây cong nghiêng, sâu mục, các trường không thể tự xử lý cần liên hệ với Công ty để được phối hợp. Vì Công ty có đầy đủ thiết bị, cũng như con người giỏi chuyên môn để đến "thăm khám" cho cây và sẽ đưa ra quyết định về việc có nên đánh chuyển, chặt hạ hay cắt tỉa sau khi trao đổi với phía nhà trường.

Ngoài việc chủ động "thăm khám" cho cây, ông Mạnh chỉ ra, trên thực tế có cây nhìn bề ngoài xanh tốt không có biểu hiện sâu mục nhưng thực chất phía trong thân đã bị rỗng, chỉ cần mưa gió sẽ gãy đổ. Thế nên, để hạn chế cây gãy đổ trong trường học, cách đơn giản nhất mà hiệu quả là cắt tỉa cành cây một cách thường xuyên, chủ động.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội thông tin, đối với hệ thống cây xanh do đơn vị quản lý, công tác chặt hạ, thay thế các cây chết, sâu mục được tiến hành thường xuyên, liên tục. Chính làm tốt công tác trên, trong mấy năm trở lại đây, số cây gãy đổ trong mưa bão đã giảm hẳn. Ngoài  việc cắt tỉa, Công ty quan tâm thực hiện tuần tra khảo sát phát hiện cây hư hỏng, chết... để cắt bỏ, bổ sung kịp thời.

Những thông tin phản ánh về chất lượng cây của tổ chức, cá nhân đều được xử ký kịp thời, nhanh chóng không để tồn tại. Sau khi tiếp nhận thông tin từ lực lượng tuần đường, đơn thư, phản ánh của các tổ chức, cá nhân, Công ty sẽ đề xuất với Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng Hà Nội để được cắt tỉa theo đúng quy trình. Riêng trước mùa mưa bão năm 2020, Công ty tiến hành cắt tỉa, thay thế trên 20.000 cây bóng mát trên đường phố Hà Nội.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020 do UBND thành phố Hà Nội tổ chức ngày 29/5, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội và các quận, huyện rà soát, cắt tỉa lại tất cả các cây xanh ở các trường học trên địa bàn, không để nguy hiểm cho học sinh.

Theo ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, quán triệt tinh thần trên, Sở đã chỉ đạo các trường học chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý và cơ quan chuyên môn để triển khai việc rà soát hệ thống cây xanh trong khuôn viên các trường để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, cán bộ nhà trường trong mùa mưa bão. Ngoài ra,  các nhà trường tổ chức kiểm tra cơ sở vật chất như tường rào, trần, tường nhà, hệ thống cống rãnh, lưới điện, tránh gây mất an toàn cho học sinh; tăng cường kiểm soát khách đến thăm trường, xe vào trường trong thời điểm giờ ra chơi của học sinh; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn…

Qua tìm hiểu, một số hiệu trưởng trường học cho biết, trách nhiệm quản lý cây xanh trong khuôn viên trường thuộc về các trường học, nhưng khi muốn chặt bỏ cây xanh nào đó, trường lại phải xin ý kiến cơ quan chuyên môn của Sở Xây dựng Hà Nội, chính quyền địa phương. Do vậy, thành phố nên có quy định thống nhất về cơ quan chịu trách nhiệm về cây xanh trong trường học, để không còn khoảng trống, khi xảy ra vụ việc không cơ quan nào nhận trách nhiệm.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Hàng trăm cây xanh mới trồng đã bị chết khô
Hàng trăm cây xanh mới trồng đã bị chết khô

Những ngày qua, người dân thành phố Bạc Liêu (Bạc Liêu) rất bức xúc trước thực tế hàng trăm cây xanh vừa mới trồng trên địa bàn đã bị chết khô, gây thiệt hại không nhỏ đến ngân sách Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN