Khởi động dự án ‘Cùng phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh’

Ngày 21/3 tới, tại Bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) phối hợp với UBND huyện Tuyên Hóa và Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng Cao (CEGORN) sẽ trồng loạt cây đầu tiên, khởi động Dự án: “Cùng phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh”.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa.

Dự kiến, tới ngày 10/4, sẽ trồng được 8,3 ha cây bản địa trên phần đất từng là rừng cộng đồng của đồng bào dân tộc Mã Liềng, thuộc xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa. 

Dự án  ‘Cùng phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh’  được ấp ủ bởi những người sáng lập Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS). VARS đăng ký hoạt động từ tháng 10/2020, theo hình thức phi lợi nhuận, vận động các nguồn lực xã hội để trồng và phục hồi rừng bằng những giống cây bản địa. 

Mục tiêu chính của Dự án  là vận động cộng đồng đóng góp để trồng các loài cây bản địa, gìn giữ và khôi phục rừng tự nhiên với khoản đóng góp là 50.000 đồng/cây xanh. Ngoài việc trực tiếp trồng rừng, Chương trình còn có tham vọng đánh thức ý thức bảo vệ môi trường trong công chúng, vận động mọi người không chỉ đóng góp cho dự án mà còn tự trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng trồng cũng như rừng tự nhiên.

Nhiều năm qua, những nhà sáng lập của VARS và một số chuyên gia về lâm sinh và chính sách bảo vệ rừng đã khảo sát thực địa, tiếp xúc với bà con, đặc biệt là bà con người dân tộc thiểu số ở những vùng rừng bị phá, hiện đang trở thành đất trống, đồi núi trọc. Nhiều nơi, bà con nhận ra, việc trồng và khôi phục rừng tự nhiên không những có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn mang lại cho họ nhiều lợi ích như: khai thác lâm sản ngoài gỗ, nuôi ong, lấy mật ong rừng và bảo vệ không gian sinh tồn của cộng đồng. Bà con nhận thức được những giá trị đó nhưng không có khả năng tự lực.

“Với mỗi 50.000 đồng được đóng góp, chúng tôi sẽ trồng được một cây bản địa như lim, gõ, dỗi, vàng tâm... (bao gồm chi phí cây giống, người dân trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng đến năm thứ ba, sau đó cây rừng sẽ khép tán, tự sinh trưởng, phát triển thành rừng tự nhiên mà không tốn thời gian chăm sóc của người trồng rừng). Bà con cũng có thể trồng cây ngắn ngày, cây thuốc nam và thực hiện các mô hình nông lâm kết hợp dưới tán rừng để đảm bảo cuộc sống trước mắt và lâu dài. Các địa phương cũng rất hoan nghênh chương trình của chúng tôi. Chính quyền địa phương đã cam kết sẽ cùng đồng hành và đảm bảo cho bà con trồng và giữ rừng lâu dài theo các quy định của Nhà nước”, đại diện dự án cho biết.

Đây là dự án được chuẩn bị để vận hành lâu dài. Tuy nhiên, mục tiêu trước mắt của VARS là trồng được 100 ha rừng trong năm 2021.  Một trăm ha này sẽ được trồng cùng với bà con người dân tộc Mã Liềng và các cộng đồng hiện sinh sống đầu nguồn Sông Gianh thuộc các huyện Tuyên Hoá và Minh Hoá của tỉnh Quảng Bình và với bà con dân tộc Cơ Tu hiện đang sinh sống tại các huyện Đông Giang, Tây Giang và Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam.

PV
Thanh niên huyện biên giới Mường Lát trồng rừng phòng, chống thiên tai
Thanh niên huyện biên giới Mường Lát trồng rừng phòng, chống thiên tai

Tại huyện biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, nhiều đoàn viên, thanh niên đã thực hiện mô hình trồng rừng kinh tế phòng, chống thiên tai để hạn chế xói mòn, sạt lở đất. Mô hình này vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho đoàn viên, thanh niên, vừa phủ xanh đồi trọc, góp phần xây dựng huyện nghèo biên giới ngày càng phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN