Lúc ấy phố vắng lắm, chỉ có gió nhẹ và hương tóc tơ của con, của hương cau hương bưởi gì đó có chút vấn vương trên làn tóc ấy, thấy tóc con có mùi gì đó thân quen thế. Mới chợt nhớ ra, tóc con thơm mùi mạ non, cái mùi mà có khi một vạn người, may ra có một hai người cảm nhận được.
Vào mùa lúa hè thu, cánh ruộng mạ như bức tranh còn xanh nét cọ, từng thửa mạ xanh một màu xanh non dịu nhẹ, trên cánh lá còn đọng sương mai mong manh, gió sớm mơn man lùa qua gốc mạ gom hương thơm đi.
Cái mùi hương quyến rũ lòng người, khi ấy chỉ hít hà thôi cũng thấy mát nhẹ mà thơm thơm khó tả đến gai người. Mùi của mạ non thơm như hương cỏ dại dưới trời nắng gắt, nhưng có vị ngọt thanh như mùi đòng đòng trong khóm lúa xuân.
Thơm hương của mạ non không lưu lại được lâu khi ta ngửi thấy mà nó thoang thoảng mong manh, nó thoáng qua nhanh như cơn gió khiến cho ai đó muốn níu giữ cũng không có cách nào níu được, chỉ có một cách duy nhất là ngồi phía cuối cánh đồng mạ non và chờ gió mang hương đến để hít hà, mà hít hà bằng cả tấm lòng mới thấy.
Lại nhớ, cố nhạc sĩ Thanh Sơn sáng tác bài hát “Hương tóc mạ non” để tặng người vợ yêu của mình mới thật diệu kỳ.
"Nghe em hát câu dân ca
Sao mượt mà lòng anh thương quá
Tiếng ngọt ngào nào đong đưa
Nhớ xa xưa trời trưa bóng dừa
Hẹn hò nhau tình quê hai đứa
Mùi mạ non hương tóc em biết bao kỷ niệm
Nhắc lại thấy thương nghe thật buồn"
Ông nói, đại ý ông sáng tác bài hát đó để cảm ơn người vợ yêu đã đồng cam cộng khổ với ông, đã chăm sóc ông, hàng ngày ông thích hít hà mái tóc thơm hương mạ non ấy như một nguồn cảm hứng vô tận...
Con gái nhỏ than: "Sao ba cứ cọ râu vào gáy con thế?".
Không, là ba hít hà hương tóc của con!