Đảm bảo an toàn cho robot đào hầm và các ga ngầm Metro Nhổn-ga Hà Nội

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, sau 5 năm thi công các hạng mục ngầm của dự án Metro Nhổn - Ga Hà Nội, 3 nhà ga ngầm được đảm bảo an toàn tuyệt đối; hệ thống robot đào hầm vẫn đang được duy trì kiểm ra kỹ thuật định kỳ, chờ ngày khoan hầm chính thức.

Ngày 11/10, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban MRB cho biết, để bù đắp thời gian hao hụt do vướng mắc giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu thi công tuyến đường sắt đô thị (Metro) Nhổn - Ga Hà Nội huy động 100% nhân lực, máy móc thi công với 3 ca liên tục. Phía nhà thầu và các chuyên gia hàng đầu thế giớ cũng đã huy động tất cả nhân lực theo kế hoạch.

Video phóng viên theo đoàn kiểm tra thực tế các ga ngầm dự án Metro Nhổn-ga Hà Nội:

Theo ông Lê Trung Hiếu,sau 5 năm thi công các hạng mục ngầm của dự án Metro Nhổn - Ga Hà Nội, việc thi công các ga ngầm từ S9 đến S12 được đảm bảo an toàn từ yếu tố nhân công đến kỹ thuật. Đặc biệt, tại ga ngầm S9, 2 robot đào hầm luôn được kiểm tra kỹ thuật định kỳ và luôn trong trạng thái sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Cũng theo Phó trưởng Ban MRB, sau khi UBND TP Hà Nội chỉ đạo quyết liệt, việc thi công ngoài trời trong mùa mưa bão đã khó khăn, nhưng việc đảm bảo thi công và các yếu tố an toàn trong các ga ngầm còn khó khăn hơn nhiều. Dưới sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị, hệ thống bơm thoát nước công suất lớn được bố trí nhiều điểm ở các ga ngầm. Bên cạnh đó, trong mỗi điểm thi công ngầm đều có các hố thu nước kỹ thuật. Nhờ đó, đảm bảo an toàn cho công nhân lao động và các hạng mục đã thi công.

Chú thích ảnh
Ga ngầm S9 Kim Mã là một trong các ga ngầm phức tạp nhất của dự án Metro Nhổn-ga Hà Nội.
Chú thích ảnh
Nơi đây là vị trí đặt 2 robot đào hầm do hãng Herrenkecht (Đức) chế tạo theo công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine), có chiều dài hơn 100 m, nặng khoảng 850 tấn.
Chú thích ảnh
Nhiều tháng qua, trong điều kiện mưa bão, TBM vẫn được đảm bảo khô ráo, an toàn; đang sẵn sàng chờ lệnh khoan từ ga S9 tới ga S12 với tổng chiều dài 4km.
Chú thích ảnh
TBM là một cỗ máy lớn với nhiều bộ phận phức tạp như đầu cắt, khiên đào, tay trộn, buồng điều áp, xilanh đẩy, hệ thống vận chuyển đất thải,…
Chú thích ảnh
Vì vậy, lãnh đạo Ban MRB thường xuyên có mặt để kiểm tra kỹ thuật, nhất là trong mùa mưa bão.
Chú thích ảnh
Ở vị trí sâu 20 m dưới lòng đất, hệ thống bơm thoát nước công suất lớn được lắp đặt để đảm bảo không xảy ra ngập úng.
Chú thích ảnh
Bể kỹ thuật phục vụ quá trình thi công có tác dụng thu gom nước, trung chuyển vật liệu và chất thải tại các ga ngầm.
Chú thích ảnh
Tại các ga ngầm của dự án, việc thi công vẫn được tuyến hành khẩn trương.

Thông tin thêm về tiến độ thi công các ga ngầm, ông Lê Trung Hiếu cho biết, tính đến đầu tháng 10/2023, khu vực đang thi công công trình giếng đứng của ga ngầm S9 Kim Mã được hoàn trả mặt đường sau 3 năm rào chắn (đoạn Kim Mã - Núi Trúc). Mặt đường được thảm lại, các phương tiện có thể đi thẳng khi đi qua tuyến đường này mà không cần phải đi theo đường uốn lượn như trước.

Tại ga S12 (Trần Hưng Đạo), sau hơn 4 năm tồn tại, hàng rào thi công (đoạn từ cổng Bệnh viện Tim Hà Nội đến trước ga Hà Nội) đang dần được tháo dỡ; việc xây lắp ga ngầm S12 đã xong cơ bản. Hạng mục thi công của dự án chỉ có phần cửa đi xuống hầm là nổi lên khỏi mặt đất, các đơn vị thi công đang tiếp tục hoàn thiện những công việc còn lại.

Theo đại diện Ban MRB, sau khi hoàn trả lòng đường đoạn từ Bệnh viện Tim Hà Nội đến Lê Duẩn, Ban sẽ tập trung thi công giai đoạn 2 tại đây. Ở giai đoạn này, chủ đầu tư đã rào toàn bộ lòng đường Trần Hưng Đạo, đoạn trước Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô đến trước trụ sở Bộ Giao thông Vận tải. 

Mới đây, Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội; điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 đến năm 2027; điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 34.826 tỷ đồng, tăng thêm 1.916 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng ngân sách thành phố Hà Nội tăng 3.895,93 tỷ đồng và vốn vay ODA giảm 1.979,93 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 77,7%, trong đó đoạn trên cao đạt 99,5%, dự kiến hoạt động cuối năm nay 2023. Đoạn ngầm đã hoàn thành 36,5%.

Chú thích ảnh
Dải đường phía Nam của ga S12 được hoàn trả mặt đường.
Chú thích ảnh
Cửa đi xuống ga ngầm là hạng mục duy nhất nổi trên mặt đường.
Chú thích ảnh
Khu vực giao cắt với đường Lê Duẩn đã thảm xong lớp asphalt cuối và hệ thống bó vỉa hè.

  

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Trải nghiệm 8 nhà ga trên cao tuyến Metro Nhổn-ga Hà Nội
Trải nghiệm 8 nhà ga trên cao tuyến Metro Nhổn-ga Hà Nội

Tên gọi chính thức của 8 nhà ga được đặt theo vị trí địa lý mà tuyến đi qua, gồm: Ga Nhổn, Ga Minh Khai, Ga Phú Diễn, Ga Cầu Diễn, Ga Lê Đức Thọ, Ga Đại học Quốc gia, Ga Chùa Hà, Ga Cầu Giấy. Không chỉ đáp ứng yêu cầu về công năng, kỹ thuật, mỗi nhà ga trên cao còn được thiết kế hình ảnh riêng để quảng bá, tôn vinh văn hóa của Thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN