Xe ô tô BKS 60M-3387 bị hư hỏng nặng trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Đồng Nai sáng mùng 5 Tết. Ảnh: Công Phong/TTXVN |
Trong đó, trên đường bộ xảy ra 360 vụ, làm chết 197 người, bị thương 406 người; đường sắt xảy ra 8 vụ, làm chết 6 người, bị thương 11 người; tuyến đường thủy nội địa không xảy ra vụ tai nạn nào.
So với cùng kỳ Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, số vụ tai nạn giao thông tăng 84 vụ (29,5%), tăng 21 người chết (11,5 %), tăng 135 người bị thương 133 (48%).
Nguyên nhân tai nạn giao thông tăng so với Tết Nguyên đán Bính Thân là do số người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia còn cao, nhất là các vùng nông thôn; người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy; việc kiểm tra, xử lý vi phạm tại các tuyến giao thông nông thôn của các lực lượng chức năng còn hạn chế, chưa quán xuyến, khép kín địa bàn.
Có năm địa phương không xảy ra tai nạn giao thông: Bắc Ninh, Cao Bằng, Kom Tum, Ninh Bình, Sơn La và Lào Cai.
Lực lượng Cảnh sát giao thông trên đường bộ đã kiểm tra, xử lý 17.636 trường hợp vi phạm; nộp kho bạc Nhà nước 6,877 tỷ đồng; tạm giữ 184 xe ô tô, 3782 xe mô tô, tước 783 giấy phép lái xe. So với cùng kỳ Tết nguyên đán Bính Thân 2016, tăng 2.910 trường hợp (19,7%), số tiền nộp phạt tăng 721 triệu đồng.
Trong hai ngày cuối của dịp nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu, mật độ người tham gia giao thông đổ về các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đông đúc. Lực lượng cảnh sát giao thông đã có phương án bố trí, huy động lực lượng bố trí tại các khu vực này, thực hiện phân làn, phân luồng, điều tiết giao thông; yêu cầu các hộ kinh doanh trông giữ xe chấp hành nghiêm pháp luật trật tự an toàn giao thông để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn ra tại các cửa ngõ các thành phố lớn.