Đều đặn từ tháng 5/2023, trên trang facebook cá nhân của nhà báo Vĩnh Quyên đăng tải hình cảnh các mâm cơm dành cho người ở cữ, với những món ăn truyền thống, được chế biến cẩn thận, với nguyên liệu tươi ngon, phong phú, trình bày hấp dẫn.
Rất nhiều "mẹ bỉm sữa" trên các group yêu bếp, nội trợ... đã trầm trồ với các món ăn này, bởi chỉ ngắm ảnh đã cảm nhận được sự ngon miệng, đủ chất và chế biến với sự chăm chút, yêu thương.
Người thực hiện những món ăn này- nhà báo Vĩnh Quyên, nguyên Phó Tổng Giám đốc Kênh truyền hình Quốc hội Việt Nam, tâm sự: "Những bữa cơm cữ thuần Việt không chỉ là món ăn mà sâu xa hơn là biểu hiện của sự yêu thương, sự thấu hiểu của các bà mẹ, các ông chồng dành cho sản phụ".
Khi được hỏi động lực nào giúp chị thực hiện được hàng trăm món ăn trong các mâm cơm ở cữ, nhà báo Vĩnh Quyên khiêm tốn: "Phụ nữ sau sinh sức khoẻ suy yếu rất nhiều, nhất là tháng đầu tiên vừa sinh xong đã phải chăm con, lo có sữa cho con bú. Thế nên các cụ mới gọi là “ cữ” , cữ dài là 3 tháng, cữ ngắn là một tháng. Trong thời gian ở cữ, người mẹ cần có chế độ ăn đặc biệt để vừa bồi bổ sức khoẻ cho mẹ vừa đảm bảo nguồn sữa tốt cho con. Nếu ăn không hợp lý, mẹ còn dễ bị tăng cân và bị ảnh hưởng đường ruột khi có tuổi. Chính vì thế, trước đây với con dâu và bây giờ là con gái ở cữ, tôi luôn chú trọng nấu các món ăn bổ dưỡng, đủ chất cho các cháu".
Nhà báo Vĩnh Quyên kể: "Thời bao cấp, chúng tôi ở cữ thường chỉ có mấy món như canh rau ngót thịt nạc, thịt thăn rim, trứng luộc, ruốc, cháo móng giò đu đủ xanh. Bây giờ điều kiện và kinh tế tốt hơn, thì làm các món phong phú hơn, đa dạng hơn nhưng vẫn dựa trên kinh nghiệm của các cụ như không ăn đồ nhiều mỡ, đồ hàn, hải sản, các loại rau, củ lợi tiểu, các loại gia vị nhiều mùi như hành, tỏi, hạt tiêu, mù tạt, các loại thuỷ sản sống dưới bùn như cua, ốc trai, hến…".
Những món ăn bắt mắt nhưng làm thế nào để phù hợp với chế độ dinh dưỡng cũng như xu hướng ăn ít dầu mỡ là cả một quá trình công phu.
Nhà báo Vĩnh Quyên cho biết: "Để các bà mẹ sau sinh ăn đủ chất và ngon miệng, trong khi chế biến, mình luôn chú ý tới sự cân bằng dinh dưỡng giữa 4 thành phầnquan trọng là chất đạm, đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Trong đó, chất đạm, đường bột và chất béo là các chất dinh dưỡng sinh năng lượng. Vì thế hạn chế ăn đồ nhiều mỡ nhưng không có nghĩa là không dùng một cách cực đoan. Nếu bữa nào cũng chỉ ăn đồ luộc, hấp thì sẽ rất chán. Do đó, trong thực đơn, mình vẫn dùng nhiều món xào, có điều dùng dầu thực vật như dầu hạt cải, dầu ô liu và dùng với lượng rất ít so với người bình thường".
Dưới đây là hình ảnh một số món cơm cữ của nhà báo Vĩnh Quyên, có thể là gợi ý cho các gia đình chăm sóc các "mẹ bỉm sữa":