Thủ tục “cứng” khi nhập viện
Ngồi chờ ngoài cổng bệnh viện để tiếp tế đồ vào cho chồng đang nằm điều trị nội trú trong Bệnh viện Bạch Mai, bà Phạm Thị Lan (ở Sơn Tây, Hà Nội) trao đổi cùng những người nhà bệnh nhân khác, hướng dẫn cho những người mới đến làm các thủ tục phòng dịch khi vào bệnh viện. Đã mấy ngày nay chồng bà đỡ hơn, tự đi lại được nên người nhà phải ra ngoài, bệnh nhân đã có các y bác sĩ phụ trách chăm sóc, điều trị để đảm bảo phòng dịch.
Bà Lan cho biết: “Trong mùa dịch, việc điều trị bệnh nhân nội trú khác trước rất nhiều; nhất là có thêm thủ tục xét nghiệm COVID-19. Hôm chồng tôi vào khám cấp cứu, được chỉ định nhập viện; các bác sĩ cho chuyển chồng tôi luôn lên khoa và được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 sàng lọc ở trong đó; hoàn toàn do bệnh viện lo liệu nên tôi cũng không phải tham gia. Còn tôi phải tách ra, tự làm thủ tục xét nghiệm theo diện người nhà để được vào chăm, xét nghiệm từ sáng đến chiều tôi có kết quả. Khi có chứng nhận âm tính, tôi mới được vào khu vực phòng bệnh. Chồng tôi đã được nhập viện cách đây 1 tuần, bây giờ đỡ hơn nên tôi không được vào trong, phải thuê trọ ở gần bệnh viện và túc trực phía ngoài để hỗ trợ đảm bảo giãn cách trong bệnh viện”.
“Tuy phải xét nghiệm COVID-19 nhưng chi phí xét nghiệm đã có BHYT chi trả nên người bệnh cần chấp hành nghiêm. Bệnh nhân và người nhà rất vất vả khi phải chờ đợi kết quả xét nghiệm nhưng chúng tôi hiểu, trong hoàn cảnh này, chúng bệnh viện cũng phải chống dịch nên bác sĩ hướng dẫn thế nào, chúng tôi cũng thực hiện, cũng là mong muốn an toàn cho mình”, bà Lan chia sẻ.
Đỡ vất vả hơn người mới nhập viện vì đã điều trị thường xuyên, ông Phạm Văn Tuấn (quê ở Nam Định) phải liên tục vào Bệnh viện Bạch Mai chạy thận.
Ông Tuấn cho biết: “Hiện quy định của bệnh viện là mỗi tuần chúng tôi phải làm xét nghiệm sàng lọc COVID-19 một lần, lịch chạy thận của tôi 3 ngày chạy 1 lần, nên cứ vào chạy thận lại được lấy mẫu xét nghiệm. Lần vào chạy sau sẽ sử dụng kết quả xét nghiệm của lần chạy trước”.
Những buổi chạy thận lấy mẫu xét nghiệm đã thành thủ tục thường quy nên với các trường hợp nhưng ông Tuấn, các y bác sĩ sẽ tranh thủ lúc bệnh nhân vào nằm chạy thận để kết hợp lấy mẫu mang đi xét nghiệm.
“Đang giai đoạn dịch bệnh, chúng tôi được phân lại ca vào chạy nên cứ theo giờ, đến ca được hẹn là chúng tôi vào và cũng không cần thiết phải đi sớm. Đến bây giờ chúng tôi đã quen với việc này nên cũng không thấy phức tạp”, ông Tuấn chia sẻ.
Cũng phải xét nghiệm để đủ thủ tục vào điều trị bệnh ung thư theo đợt tại Bệnh viện K, bà Nguyễn Tú Oanh (ở Mỹ Đình, Nam, Từ Liêm, Hà Nội) phải tự xét nghiệm vì thuộc diện bệnh nhân mãn tính điều trị định kỳ nên không được xét nghiệm tại bệnh viện. Đây là theo quy định của bệnh viện.
Đã có thông báo từ trước của bệnh viện, bà Oanh phải đi xét nghiệm lấy giấy chứng nhận âm tính để hoàn thiện hồ sơ vào viện điều trị.
Bà Oanh cho biết: “Tôi đã điều trị nhiều đợt định kỳ tại Bệnh viện K; trong đợt này tôi phải dành một ngày để đi xét nghiệm lấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2; sau đó chụp gửi hồ sơ và chứng nhận âm tính trước cho bác sĩ để bác sĩ xếp lịch đến nhập viện. Hôm vào viện giấy tờ đã sẵn sàng và hẹn trước bác sĩ nên ngay khi đến cổng bệnh viện, tôi được nhân viên y tế của khoa xuống tận nơi đón lên”.
Theo Bệnh viện K, để đảm bảo an toàn cho bệnh viện sau đợt phong toả vừa qua, hiện tại 100% người đến khám, điều trị tại Bệnh viện đều phải liên hệ đặt lịch trước với Bệnh viện.
Theo đó, riêng với người bệnh đến kỳ nhập viện điều trị phải liên hệ trực tiếp với bác sĩ điều trị để hẹn ngày đến bệnh viện. Người bệnh được hướng dẫn chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ khám bệnh cùng với thẻ BHYT và các giấy tờ chuyển tuyến liên quan; đặc biệt là chủ động xét nghiệm bằng phương pháp RT- PCR tại các đơn vị được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định COVID-19; khi có chứng nhận âm tính sẽ được tiếp nhận vào điều trị.
Với quy định bệnh nhân điều trị nội trú phải được xét nghiệm sàng lọc COVID-19, người bệnh, người phải mất thêm thời gian làm thủ tục xét nghiệm, chờ kết quả. Thời gian đầu, nhiều bệnh nhân và người nhà phải chờ đợi lâu. Tuy nhiên, quy trình này sau một thời gian triển khai, nhiều người dân cũng đã quen với quy trình này khi đến các bệnh viện khám, chữa bệnh.
Chi phí xét nghiệm được BHYT chi trả, có "vùng đệm" cho bệnh nhân cấp cứu
Về công tác xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho người bệnh nội trú, Ths.Bs Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện K cho biết: Tại Bệnh viện, với các bệnh nhân cũ, bệnh nhân điều trị ngoại trú theo định kỳ của bệnh viện, từ các địa phương lên đã hẹn lịch trước thì bệnh nhân tự chủ động tự xét nghiệm tại các địa phương và cầm chứng nhận âm tính đến bệnh viện điều trị. Còn với người đến khám bệnh mà kết quả phải nhập viện sẽ phải xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngay tại Bệnh viện. Những bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện cũng được xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần. Tất cả những diện xét nghiệm được thực hiện tại Bệnh viện, người bệnh sẽ không phải trả tiền, bệnh viện cũng không thu thêm chi phí nào, vì đã có BHYT chi trả.
Theo đó, sau khi khám bệnh, làm các xét nghiệm chẩn đoán bệnh xong, khi có quyết định nhập viện, người bệnh được chuyển lên khoa nào thì sẽ được kiểm tra, xét nghiệm sàng lọc COVID-19 trước khi lên khoa.
"Với các trường hợp cấp cứu, việc lấy mẫu xét nghiệm và cấp cứu cho người bệnh được chúng tôi tiến hành song song, vì việc đảm bảo cứu chữa người bệnh là quan trọng. Những trường hợp vừa cấp cứu vừa chờ kết quả xét nghiệm sẽ được bố trí vào khu riêng như với ca nghi ngờ để đảm bảo phòng dịch, không để quá trình đợi kết quả làm gián đoạn"- Ths. Bs Nguyễn Bá Tĩnh cho biết.
Là nơi đón nhận người bệnh, tại các bệnh viện cũng rất dễ có những người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ đến khám, chữa bệnh; nếu bệnh viện để lọt ca nhiễm COVID-19 sẽ dẫn tới hậu quả rất nghiêm trọng. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn bệnh viện là nhiệm vụ rất quan trọng. Vừa qua, Bộ Y tế đã yêu cầu làm chặt khâu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 tại các bệnh viện, hiện việc này đã trở thành thủ tục “cứng” với người bệnh nhập viện điều trị.
Tại Bệnh viện Hữu Nghị, việc xét nghiệm COVID-19 cũng đã được tích cực triển khai nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm và nhiễm SARS-CoV-2, bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế và người bệnh.
Bệnh viện triển khai xét nghiệm COVID-19 cho tất cả các đối tượng: Bệnh nhân nhập viện theo hẹn, cấp cứu; bệnh nhân đang nằm điều trị nội trú; người nhà, người giúp việc chăm nuôi người bệnh thường xuyên; nhân viên dịch vụ căng tin, vệ sinh công nghiệp, trông giữ xe, cán bộ nhân viên, người lao động, học viên, sinh viên thực tập…
Song song với xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ nhân viên y tế và bệnh nhân, Bệnh viện tiếp tục thực hiện việc giãn cách giường bệnh điều trị nội trú, buồng cách ly tại các đơn vị. Tại các chốt phòng dịch tiếp tục thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, đo thân nhiệt và sát khuẩn. Bệnh viện cũng yêu cầu mỗi người bệnh chỉ có một người nhà kèm theo được ra vào khoa điều trị khi cần thiết. Với người thân của bệnh nhân ra vào khoa cũng phải được xét nghiệm sàng lọc COVID-19 để bảo đảm an toàn phòng dịch.
Theo Bộ Y tế, hiện nay việc tăng cường xét nghiệm sàng lọc COVID-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh đã có hướng dẫn cụ thể.
Trong đó, người bệnh nội trú; người bệnh ngoại trú sau khi có quyết định chuyển vào điều trị nội trú phải được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19; người chăm sóc bệnh nhân (tối đa không quá 2 người luân phiên) nếu được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đồng ý cho ở lại chăm sóc người bệnh cũng phải làm xét nghiệm sàng lọc.
Với người bệnh đang điều trị nội trú cũng phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 định kỳ 7 ngày điều trị/lần. Tất cả chi phí xét nghiệm cho các đối tượng này đều được Bảo hiểm y tế chi trả.
Đặc biệt, để giải quyết cho người bệnh giảm bớt ảnh hưởng bởi thủ tục xét nghiệm, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các bệnh viện bố trí khu vực “vùng đệm” để khám và điều trị cho người bệnh cấp cứu trong khi chờ kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2.