Ngày 26/9, Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp với Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) tổ chức Lễ công bố Chương trình "Vinh danh vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".
PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược Cổ truyền (Bộ Y tế) đánh giá: "Nói đến y dược học cổ truyền là nói đến dược liệu, nguyên liệu để làm thuốc. Tuy nhiên ngày nay, dược liệu không chỉ khẳng định vai trò quan trọng trong y dược cổ truyền, mà còn là nguyên liệu cho ngành Hóa dược, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, tạo ra nhiều loại sản phẩm có giá trị mang lại nhiều nguồn lợi về kinh tế. Việc vinh danh các hợp tác xã, hộ gia đình, các doanh nghiệp có thành tích nuôi trồng, bảo tồn sẽ hình thành chuỗi liên kết trong phát triển dược liệu tại các vùng miền, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó, phát triển thành các sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ, vận dụng và phát triển các bài thuốc cổ truyền, góp phần chăm sóc, điều trị, nâng cao sức khoẻ cho người dân".
Với hệ sinh thái phong phú, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về việc nuôi dưỡng và phát triển các cây thuốc, dược liệu quý, hiếm. Nước ta có vô số loại cây có thể dùng làm thuốc, các cây thuốc phân bố rộng khắp cả nước, tập trung chủ yếu ở các trung tâm đa dạng sinh vật như: Bạch Mã, Lâm Viên, Hoàng Liên Sơn, Cúc Phương, Yok Đôn và Cát Tiên.
Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong đó, có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế. Cây thuốc được phát triển có thể giúp cho nhiều vùng nông thôn, miền núi xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Theo Quyết định 1976/QĐ-TTg về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên.
Bên cạnh sự chỉ đạo, định hướng của Nhà nước với vai trò thiết lập chuỗi liên kết giá trị dược liệu phát triển từ vùng trồng để tạo sự phát triển bền vững; các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân tại các vùng trồng dược liệu tại Việt Nam đang nỗ lực mở rộng diện tích vùng nguyên liệu sản xuất, ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.
Theo các chuyên gia, sau gần 30 năm thực hiện công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn cây thuốc, đến nay, ngành Y tế đã duy trì mạng lưới bảo tồn nguồn gen tại 7 vùng sinh thái gồm: Vùng đồng bằng Sông Hồng (Hà Nội), vùng trung du phía Bắc (Tam Đảo), vùng núi cao phía Bắc (Lào Cai), vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa), vùng Tây Nguyên (Đà Lạt), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên) và vùng Đông Nam bộ (TP Hồ Chí Minh). Đồng thời, ngành Y tế cũng đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gen thuộc 884 loài cây thuốc tại 7 vườn cây thuốc thuộc các đơn vị.
Đặc biệt, hiện đã có 11 cây dược liệu được trồng theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” (GACP-WHO), bao gồm: Trinh nữ hoàng cung, Actiso, Bìm bìm biếc, Rau đắng đất, Đinh lăng, Diệp hạ châu đắng, cỏ Nhọ nồi, Tần dày lá, Dây thìa canh, chè dây và Kim tiền thảo. Có được những thành tựu này, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người nông dân và doanh nghiệp tại các vùng trồng dược liệu trên khắp cả nước.
"Chương trình vinh danh sẽ được truyền tải mạnh mẽ đến cộng đồng, lan tỏa và cổ vũ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ gia đình ngày càng tham gia tích cực hơn trong công tác phát triển dược liệu theo định hướng của Chính phủ", ông Trần Tuấn Linh, Tổng biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết.
Lễ Vinh danh “Vì sự phát triển dược liệu Việt gắn với phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” 2023 sẽ được tổ chức chính thức vào đầu tháng 12/2023, là cơ hội để hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người nông dân và doanh nghiệp tại các vùng trồng dược liệu nhìn lại hành trình bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng dược liệu trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho người Việt.