Chia sẻ về cơ duyên đến với lĩnh vực này, dược sĩ Hồng Thắm cho biết, đam mê dược liệu từ nhỏ, chị quyết tâm hiện thực hóa ước mơ trở thành sinh viên ngành Dược của Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Ra trường, chị được nhiều người biết đến khi nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc ho từ thảo dược thiên nhiên Eugica nổi tiếng.
Năm 2019, nhận thấy xu hướng thị trường ưa chuộng mặt hàng chăm sóc sức khỏe từ dược liệu thiên nhiên, dược sĩ Hồng Thắm quyết định thành lập công ty. So với những bạn trẻ khởi nghiệp, chị Thắm có ưu thế hơn khi đã có hành trang vững chắc và bề dày kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghiên cứu, sản xuất dược liệu, quản trị doanh nghiệp cùng mong muốn đưa ứng dụng của dược liệu, nông sản Việt vào đời sống, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Chị bắt đầu khởi nghiệp không phải theo phong trào, mà đó là cả quá trình tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, học hỏi. Trên hết, đó là mục tiêu mang lại sức khỏe cho cộng đồng. Người ta nói người Việt Nam chết trên đống thuốc nam, là dược sĩ nên chị càng hiểu rõ ý nghĩa câu nói trên. Ví dụ, dân gian ai cũng biết lá húng chanh có thể chữa bệnh ho nhưng lá tươi rất khó ăn vì mùi hắc, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Vì thế, chị quyết định khai thác dược tính của những loại rau củ có trong bữa ăn hàng ngày để “biến” rau thành trà dược liệu, ai cũng có thể dễ dàng dùng được, dược sĩ Hồng Thắm tâm sự.
Nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp, dược sĩ Hồng Thắm nhận định đó là chuỗi ngày rất khó khăn, thách thức. Đầu tiên đó là sự quan ngại của người thân và bạn bè khi chị quyết định từ bỏ vị trí cùng mức lương rất cao. Chị luôn trăn trở, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, quy trình của ngành Dược vào chế biến nông sản, sao cho hiệu quả, giá thành không cao, nhiều đối tượng khách hàng có thể tiếp cận được sản phẩm...
Với lòng yêu nghề, dược sĩ Hồng Thắm đã lần lượt cho ra đời các dòng sản phẩm dược liệu được chế biến từ nông sản sẵn có của địa phương, thị trường đón nhận. Ban đầu là 5 mặt hàng dược liệu trà: Đinh lăng, Diếp cá, Gừng Mật ong, Tía tô, Rau má. Cả 5 sản phẩm đều đạt chuẩn OCOP 4 sao năm 2022 của Hội đồng thẩm định thành phố Cần Thơ.
Chị Đoàn Thị Hồng Thắm nhớ lại, thời điểm năm 2019, nông dân đua nhau trồng theo phong trào cây đinh lăng để cung cấp cho các công ty dược, nhưng khi họ không thu mua thì bà con không biết bán cho ai. Trong khi đó, đinh lăng là loại dược liệu sạch, không phân bón, thuốc trừ sâu...
Chính vì vậy, dược sĩ Hồng Thắm lựa chọn cây đinh lăng để nghiên cứu những sản phẩm khởi nghiệp đầu tiên của mình. Đây là dược liệu có thể tận dụng từ lá, thân, rễ... để làm sản phẩm. Trà đinh lăng được làm từ củ và lá cây; gối đinh lăng được làm từ lá của loại cây này kết hợp với thảo dược khác...
“Mục tiêu của tôi là đồng hành cùng nông dân miền Tây, hỗ trợ tiêu thụ nông sản và chung tay thay đổi mô hình trồng trọt từ “bán chợ” sang “làm thuốc”. Các nông sản sau khi được chế biến thành trà hòa tan, có thể nâng cao giá trị vì kéo dài được thời gian sử dụng từ 1 ngày lên 18 tháng; dễ vận chuyển nên có thể xuất khẩu sang thị trường các nước... Ý nghĩa thương hiệu “Hygie & Panacee” xuất phát từ tên hai người con gái của thần sức khỏe Hy Lạp cổ đại. Điều này gửi gắm mong muốn của tôi trong việc đưa dược liệu vào đời sống theo một cách thuận tiện nhất, khai thác tối đa giá trị dược liệu của nông sản”, chị Hồng Thắm chia sẻ.
Đến nay, sau gần 4 năm phát triển, từ 5 sản phẩm ban đầu, hiện Hygie & Panacee đã có 12 sản phẩm dược trà, được khách hàng phản hồi tốt như: Húng chanh - Trần bì, Lạc tiên - Tâm sen, cúc...
Điểm khác biệt làm nên thương hiệu Hygie & Panacee chính là các sản phẩm đều là trà hòa tan. Theo dược sĩ Hồng Thắm, trà hòa tan có tính khoa học kỹ thuật cao nhất, khai thác được tối đa giá trị dược liệu. Các sản phẩm rất dễ uống, dễ mang theo, phù hợp nhịp sống hiện đại. Hiện dây chuyền sản xuất Trà hòa tan của công ty chị đã được chứng nhận ISO 22000:2018 theo tiêu chuẩn quốc tế.
Là doanh nghiệp khởi nghiệp còn non trẻ (chưa đầy 4 năm) nhưng Hygie & Panacee đã sở hữu hàng chục giải tầm cỡ, với khởi điểm từ Dự án khởi nghiệp “Sản xuất dược trà - khai thác giá trị dược liệu từ nông sản” được các nhà khoa học đánh giá cao về tính sáng tạo, hữu ích, góp phần phát triển tài nguyên bản địa. Các giải thưởng có thể kể đến là, năm 2020, Giải Nhất “Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp”; năm 2021, Giải Nhì cuộc thi “Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long”; năm 2022, Giải Nhì cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức...
Nhằm dễ dàng tiếp cận khách hàng, Hygie & Panacee thiết lập mạng lưới tiêu thụ với gần 100 nhà phân phối, đại lý cùng hàng chục điểm trưng bày, kinh doanh trực tiếp trên khắp cả nước. Người tiêu dùng có thể tìm kiếm sản phẩm dược liệu của Hygie & Panacee tại các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Shopee, Lazada... định hướng trong tương lai sẽ là sàn thương mại điện tử nổi tiếng thế giới như Amazon, Alibaba...
Chia sẻ về định hướng phát triển thời gian tới, dược sĩ Hồng Thắm cho biết, Hygie & Panacee sẽ chú trọng công tác đăng ký sản phẩm hướng về mục tiêu quốc gia; hiện 5/12 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. “Chúng tôi sẽ tìm cách mở rộng thị trường quốc tế, từ đó có định hướng nâng cấp các sản phẩm đạt OCOP 5 sao. Về cơ sở vật chất, kế hoạch trong quý III/2023, doanh nghiệp sẽ khánh thành nhà máy mới tại Khu công nghiệp Trà Nóc, quy mô 1.000 m2. Để làm được điều đó, doanh nghiệp sẽ kêu gọi vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong kinh doanh. Song song đó, Hygie & Panacee sẽ xây dựng vùng trồng cây nguyên liệu độc quyền đáp ứng đúng chủng loại và quy trình để làm dược liệu, trên cơ sở hợp tác cùng một số hợp tác xã”, dược sĩ Hồng Thắm chia sẻ.
Dược sĩ Hồng Thắm còn “bật mí” kế hoạch nghiên cứu và đưa ra quy trình sản xuất táo bạo trong tương lai gần, đó là biến những “thang thuốc bắc” với hàng chục loại nguyên liệu, quy trình nấu thuốc phức tạp… thành gói trà hòa tan tiện dụng, dễ uống.
Với phương châm mang đến sức khỏe cho mọi người từ nguồn dược liệu sẵn có của địa phương, nữ Giám đốc của Hygie & Panacee ngày đêm miệt mài nghiên cứu cho ra đời dòng sản phẩm dược liệu mới từ nông sản bản địa vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước, góp phần nâng cao giá trị cho nông sản, phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe người dân.