Đó là chia sẻ của PGS. TS. BS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại Hội nghị phát triển “Mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tặng mô, tạng” khu vực phía Nam và trao quyết định thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại bệnh viện Chợ Rẫy ngày 5/4.
Theo PGS. TS. BS Nguyễn Thị Kim Tiến, Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm thực hiện các kỹ thuật ghép thận, gan, tim, phổi... và đến nay đã làm chủ được các kỹ thuật, công nghệ ghép mô tạng, sánh ngang với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, nguồn mô, tạng hiến tạng tại Việt Nam, đặc biệt là từ người hiến đã chết hoặc chết não còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ghép mô, tạng ngày càng tăng từ bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo. Tỷ lệ đăng ký hiến tạng của người dân và tỷ lệ hiến tạng sau chết của Việt Nam thấp nhất thế giới.
“Hiện nay, chúng ta đang lãng phí nguồn tạng từ người chết não, chết tim. Chúng ta thành lập các trung tâm điều phối ghép tạng, thế nhưng vấn đề đặt ra tạng ở đâu để điều phối”, PGS. TS. BS Nguyễn Thị Kim Tiến trăn trở.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, sau 32 năm Việt Nam thực hiện ca ghép tạng đầu tiên và 14 năm triển khai công tác lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện hơn 8.365 ca ghép mô, bộ phận cơ thể người.
PGS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về bộ phận cơ thể người cho biết, từ năm 2010, Việt Nam bắt đầu ghép tạng từ người cho chết não, số lượng ghép mới tăng lên. Năm 2023, số ca ghép tạng tăng gấp 4 lần so với cách đây 10 năm.
Tuy nhiên, công tác hiến, ghép tạng tại Việt Nam vẫn đang phát triển sau thế giới 50 năm. Ở các nước Châu Âu và Bắc Mỹ, tỷ lệ hiến tạng từ người chết não rất cao, hơn 90% tạng hiến lấy từ người chết não, chết tim. Trong khi đó, số người hiến tạng tại Việt Nam vẫn còn thấp, chủ yếu từ người cho sống. Tạng hiến từ người chết não rất thấp, chỉ chiếm 6%, từ người sống chiếm 94%.
“Tại nhiều bệnh viện hiện nay, rất nhiều bệnh nhân chờ ghép tạng như tim, phổi nhưng người bệnh qua đời trong sự tiếc nuối, chúng ta không thể làm gì hơn vì không có tạng”, PGS Đồng Văn Hệ chia sẻ.
Bên cạnh đó, TS BS CKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tại các nước phát triển, việc hiến tạng đã trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu hết ý nghĩa cao đẹp này. Trong khi đó, cả nước đang có hàng chục nghìn người đang chờ được ghép mô, tạng để duy trì sự sống.
PGS. TS. BS Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng khan hiếm nguồn tạng hiến chính là do nhận thức, quan niệm cho rằng chết là phải toàn thây trong khi các tôn giáo như phật giáo và công giáo đều khuyến khích hiến mô tạng sau chết, xem đó như là việc làm tự thiện cao cả nhất. Mặt khác, công tác truyền thông vận động, đào tạo tập huấn của hội Vân động hiến mô tạng trong việc phối hợp với các đoàn thể, đơn vị liên quan và với các cơ quan truyền thông còn hạn chế.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, để thay đổi được những suy nghĩ này cần có sự ủng hộ của xã hội và các cơ quan chức năng, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bản chất của việc hiến tạng và ý nghĩa to lớn của nghĩa cử cao đẹp này. Theo đó, việc tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết, thay đổi thái độ, thu hút sự quan tâm ủng hộ của các cấp, ngành, cũng như các tầng lớp dân cư trong cộng đồng là hết sức cần thiết.
Do đó, Chi Hội sẽ cố gắng đẩy mạnh và phát triển mạng lưới tư vấn để nhận được nhiều sự hưởng ứng tham gia hiến tặng mô tạng sau khi qua đời của người dân, cứu giúp những bệnh nhân không may có chỉ định ghép nhưng không có nhiều cơ hội để nâng cao chất lượng cũng như kéo dài sự sống.