Việc xếp sổ, lấy số, xếp hàng từ tờ mờ sáng khám bệnh rất bất cập

Trao đổi bền lề tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV ngày 24/10, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho biết: Tình trạng người dân tới khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện lớn của Hà Nội vẫn phải xếp hàng từ 4 - 5 giờ sáng, thậm chí phải chen lấn, là rất bất cập.

“Nếu các bệnh viện công áp dụng chuyển đổi số, bệnh nhân có thể đăng ký qua mạng, App tại nhà và đúng ngày giờ đó có thể đến bệnh viện để khám, chữa bệnh. Như vậy, bác sỹ sẽ đỡ vất vả, còn người bệnh không phải chen lấn, chờ đợi xếp hàng mệt mỏi, rất lãng phí thời gian. Tại một số bệnh viện tuyến đầu, quy trình xếp sổ, lấy số khám bệnh, đợi chờ xét nghiệm đang tiêu tốn lớn thời gian. Các quy trình hướng dẫn bệnh nhân tới viện khám, tư vấn dịch vụ chữa bệnh cần bài bản, chuyên nghiệp hơn nữa”, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa đề xuất.

Theo ý kiến một số ĐBQH, một trong những nội dung được đề cập trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này được nhiều người hoan nghênh là việc các bệnh viện được công nhận, liên thông kết quả khám, chữa bệnh, tức là một số xét nghiệm sau khi đã có kết quả của cơ sở khám chữa bệnh này có thể được cơ sở khác sử dụng để chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh, giúp được các bệnh nhân tiết kiệm được chi phí tiền bạc, thời gian. 

“Nếu không được công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, có những bệnh nhân khi chuyển sang bệnh viện khác điều trị lại lại phải đi xét nghiệm, chiếu chụp từ đầu gây tốn kém, vượt mức chi trả của nhiều gia đình”, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa cho biết.

Tình minh bạch thông tin trong hệ thống bệnh viện, đặc biệt về sự cố, tai biến y khoa cũng được nhiều người quan tâm. Theo ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa, rủi ro y khoa là khó tránh khỏi do đặc thù của nghề y. Khi bệnh viện xảy ra tai biến y khoa, sai sót kỹ thuật, bệnh viện đó cần phải có quy trình minh bạch thông tin.

“Trường hợp tai biến y khoa dẫn đến chết người, bệnh viện đó cần công bố bệnh án, ít nhất trong hệ thống bệnh viện đó hoặc trong toàn bộ lĩnh vực chuyên môn của ngành y để rút kinh nghiệm. Càng minh bạch càng tốt, cái gì sai phải chỉ rõ”, ông Đỗ Chí Nghĩa chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức về chính sách thu hút người tài trong ngành Y tế, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa đề xuất: Việt Nam cần phải có chính sách nâng cao đời sống, tăng thu nhập ngay cả đối với các sinh viên tốt nghiệp ra trường đi làm tại các cơ sở y tế, bởi thời gian đào tạo đối với các bác sỹ nội trú, chuyên khoa khá dài; cần tạo môi trường làm việc để các y, bác sỹ đi làm, họ cảm thấy vinh dự và trách nhiệm khi được nhận nhiệm vụ; tạo cơ hội nâng cao chuyên môn, tay nghề.

“Bác sỹ cần được xem như là tài sản quý của Quốc gia, tránh giằng co nhân sự giỏi từ bệnh viện này sang bệnh viện kia. Việt Nam cần tận dụng chính sách hỗ trợ cụ thể để có thể phát huy được tay nghề giỏi của các y bác sỹ, có chính sách luân chuyển bác sỹ từ bệnh viện này sang bệnh viện khác để lan toả năng lực và người bệnh dù giầu hay nghèo đều được hưởng sự chữa trị một cách công bằng”, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa chia sẻ.

Theo nhiều ý kiến của ĐBQH, những khó khăn của ngành y lúc này cũng là cơ hội để chọn lọc, siết chặt lại trình độ, tâm tài của đội ngũ các y, bác sỹ. Xã hội luôn có sự tri ân đối với sự hy sinh của nghề y, nhưng bác sỹ cũng cần biết ơn bệnh nhân, vì những sai sót, yếu kém trong y tế, chính người bệnh đều phải chịu hậu quả. Không phải bác sỹ nào cũng giỏi ngay mà phải trải qua nhiều năm tháng, thậm chí cả biến cố không may trong việc điều trị để có được những bài học xương máu trong công tác khám, điều trị và chữa bệnh cho các bệnh nhân. 

Liên quan đến giấy phép hành nghề khám chữa bệnh được đề cập dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng: Tính đúng, tính đủ, nhưng không tăng chi phí cho người dân.

Tranh luận với ý kiến của đại biểu Tạ Văn Hạ là cấp giấy phép hành nghề thời hạn chỉ còn 5 năm sẽ gây tốn kém, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng: Sau 5 năm kể từ thời điểm được cấp phép hành nghề, nếu như hành nghề tham gia đủ các khóa đào tạo liên tục, đạt đủ điểm số theo quy định, sẽ được tự động gia hạn giấy phép hành nghề. Theo đại biểu, đây là thông lệ của thế giới và nên ủng hộ, tuy nhiên cần tổ chức thực hiện cho đúng.

Đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề xuất: Cần làm rõ chính sách ưu đãi đối với người hành nghề. Về chế độ, chính sách cho người làm nghề khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu cho rằng việc giải trình trong báo cáo của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa thuyết phục, chưa thể hiện được chính sách đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước cho ngành y. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện chính sách ưu đãi đặc biệt đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Về chức năng đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh của Hội đồng Y khoa Quốc gia, trong Dự án Luật, có sự bất cập khi chưa làm rõ quy định về lộ trình, trong khi mốc thời gian đặt ra là sau 5 năm luật có hiệu lực, việc đánh giá năng lực hành nghề mới được thực hiện. Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc quỹ những quy định liên quan đến nội dung này để đảm bảo khả thi hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo thuận lợi trong thi hành, áp dụng, đảm bảo hiệu quả thực tế. 

Ngoài ra, ĐBQH trên cũng đề nghị nghiên cứu, rà soát Điều 121 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành để đảm bảo quy định rõ và đủ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan; đồng thời rà soát toàn bộ các nội dung quy định trong Dự luật tránh tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, đảm bảo tính khả thi của các chính sách.

 

Minh Phương/báo Tin tức
Kiến nghị cho bệnh viện thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đa phương thức
Kiến nghị cho bệnh viện thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đa phương thức

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Bộ Y tế kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các bệnh viện trong thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN