Tự phun hóa chất diệt muỗi, ‘lợi bất cập hại’

Hà Nội đã ghi nhận 1 ca tử vong do sốt xuất huyết, các chuyên gia cũng nhận định dịch đang diễn biến phức tạp… Do đó, tại những điểm nguy cơ cao, không ít gia đình lo lắng, đã tự ý phun hoặc thuê người đến phun hóa chất diệt muỗi tại nhà.

Việc phun hóa chất diệt muỗi cần được thực hiện bởi các cán bộ y tế dự phòng đã được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật. Ảnh: Nguyễn Vân

Ở gần con mương tù đọng trên phố Lạc Trung, Hà Nội, bình thường đã rất nhiều muỗi nên gần đến mùa mưa, chị Nguyễn Thu Nga lại càng sốt ruột, chỉ lo người thân trong gia đình mắc bệnh sốt xuất huyết.


“Hầu như này nào, tôi cũng phải đốt bồ kết để xua bớt muỗi. Nhưng dạo này thời tiết thất thường nên muỗi nhiều hơn, lắm khi bật điều hòa mà trẻ vẫn bị muỗi cắn. Trong khi, nơi tôi sống đã có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nên rất lo nên quyết định thuê một công ty đến phun thuốc diệt muỗi”, chị Thu Nga chia sẻ.


Theo chị Nga, chỉ cần gõ từ khóa “phun thuốc diệt muỗi” là sẽ có hàng loạt các địa chỉ nhận phun thuốc diệt muỗi giá rẻ, PR diệt tận gốc các loại muỗi tại nhà theo tiêu chuẩn y tế. Ngay sau khi chị gọi điện, công ty có dịch vụ phun thuốc diệt muỗi tại nhà đã hẹn ngày để cử người đến phun ngay theo lịch hẹn.


Vấn đề là, khi phun thuốc, dù chị Nga và người thân trong gia đình đã ra ngoài hơn một tiếng; khi vào nhà cũng mở bung các cửa ra ngay nhưng cả nhà đều bị ngứa ngáy, buồn nôn. Chị Nga phải đưa 2 bé đi viện để lấy thuốc bôi cho các cháu bớt ngứa.


“Tức nhất là muỗi vẫn hoàn muỗi, hầu như vẫn không giảm chút nào. Trong khi đơn vị phun thuốc khẳng định thuốc không gây khó chịu, mấy tiếng sau là hết muỗi. Đúng là tiền mất, tật mang”, chị Nga chia sẻ.


Trao đổi về vấn đề này, BS Đào Hữu Thân, Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, cho biết, ngành y tế hoàn toàn không khuyến cáo người dân không được tự ý phun hoặc thuê phun hóa chất diệt muỗi tại gia đình, chỉ . Bởi lẽ, hoạt động chống dịch này phải đảm bảo sử dụng đúng hóa chất và đúng kỹ thuật, chỉ có đội ngũ y tế dự phòng mới được hướng dẫn về chuyên môn này. Người được thuê phun thuốc diệt muỗi có thể phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình và cũng không rõ họ sử dụng hóa chất gì.


“Rất nhiều công ty lợi dụng hoạt động phòng chống dịch để tổ chức đi phun thuốc diệt muỗi. Nhưng dùng hóa chất như vậy cũng giống như việc điều trị mà không có sự kê đơn, sẽ dẫn đến hiện tượng kháng thuốc cho cả cộng đồng”, BS Đào Hữu Thân khuyến cáo.


Về nguyên tắc, biện pháp phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường được đơn vị y tế dự phòng chỉ định triển khai ở những nơi có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh, có ca bệnh sốt xuất huyết, có chỉ số bọ gậy hoặc chỉ số mật độ hoạt động của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết cao.


Tuy nhiên, chuyên gia y tế dự phòng cũng khuyến cáo phun hóa chất diệt muỗi không phải là giải pháp duy nhất. Vấn đề chính là người dân cần phải diệt bọ gậy trong nhà, sau khi phun thuốc mà vẫn còn bọ gậy trong lọ hoa, trong các đồ phế thải thì muỗi truyền sốt xuất huyết sẽ lại phát triển và gây bệnh cho người dân.


“Mỗi người dân cần phải chú ý dự phòng để trong nhà mình không có muỗi, chủ động thu gom, vứt bỏ dụng cụ phế thải để tránh nước đọng, tránh tạo cơ hội cho bọ gậy phát triển. Khi có biểu hiện sốt cao liên tục trên 2 ngày thì cần khám tại cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị, tránh những biến chứng đáng tiếc nếu mắc sốt xuất huyết thể nặng”, BS Đào Hữu Thân nhấn mạnh.


Phương Liên
Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội gia tăng nhanh, diễn biến phức tạp
Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội gia tăng nhanh, diễn biến phức tạp

Mặc dù chưa đến mùa dịch (tháng 6 - 7 hàng năm) nhưng số lượng ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội đã tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2016; đặc biệt đã có 1 ca tử vong và dịch bệnh này đang có xu hướng gia tăng nhanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN