* Tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh…
UBND huyện Chiêm Hóa và UBND huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã có thông báo hỏa tốc về việc tạm dừng việc tổ chức các lễ hội trên địa bàn. Cùng với đó, UBND hai huyện trên yêu cầu tạm dừng các lễ hội cấp xã, các hoạt động tập trung đông người để phòng, chống dịch bệnh theo nội dung Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các khoa, phòng của bệnh viện: Tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám chữa bệnh; cách ly tạm thời các trường hợp viêm phổi chưa rõ nguyên nhân, thông báo khẩn cho y tế dự phòng, lấy mẫu xét nghiệm để chuẩn đoán kịp thời; đảm bảo cán bộ trực thường trú, trực chuyên môn 24/24, trực đường dây nóng 24/24 để sẵn sàng chỉ đạo phối hợp, chi viện, ứng cứu xử lý trường hợp cần thiết; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc hồi sức cấp cứu, dịch truyền; rà soát lại vật tư y tế và phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử trùng để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh…
* Tỉnh Trà Vinh đang tập trung nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra. Ngành Y tế tỉnh phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khoẻ những người trở về từ Trung Quốc, đặc biệt các nơi có nhiều công dân người Trung Quốc sống và làm việc, như Trung tâm Điện lực Duyên Hải (thị xã Duyên Hải).
Ông Nguyễn Văn Lơ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trà Vinh cho biết, công dân Trung Quốc trở lại tỉnh làm việc sẽ qua kiểm soát tại các cửa khẩu quốc tế. Ngành Y tế tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu đường không, đường bộ, đường thủy để nắm bắt thông tin về các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ phải cách ly. Đồng thời khuyến cáo các nơi có sử dụng lao động, chuyên gia người Trung Quốc theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe để báo cáo cho Trung tâm Y tế huyện gần nhất, cách ly kịp thời khi phát hiện có triệu chứng nghi ngờ. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng giám sát các trường hợp tiếp xúc gần để kịp thời phát hiện người bệnh, cách ly theo dõi.
Ngành Y tế tăng cường tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng bệnh; tổ chức các lớp tập huấn về hoạt động giám sát, xét nghiệm, chẩn đoán điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngành cũng chuẩn bị thuốc, vật tư, hóa chất để điều trị, ngăn chặn khi phát hiện có người nhiễm bệnh; chuẩn bị khu cách ly tại tất cả các bệnh viện từ tuyến huyện đến tuyến tỉnh, sẵn sàng thu dung cách ly các trường hợp nghi ngờ bệnh và điều trị theo đúng phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngành Y tế khuyến cáo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thường xuyên đeo khẩu trang.
* Tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch nCoV; tổ chức thực hiện nghiêm các công điện, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh nCoV. Tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và thành lập tổ kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV trên địa bàn tỉnh, không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh nguy hiểm này.
Sở Y tế Kiên Giang tổ chức giám sát chặt chẽ bằng hệ thống đo thân nhiệt từ xa, quan sát tình trạng sức khỏe hành khách tại cửa khẩu quốc tế Phú Quốc và Hà Tiên. Trang bị các phương tiện máy phun hóa chất khử trùng, tẩy uế môi trường, khẩu trang y tế cho Khoa Kiểm dịch Y tế quốc tế và cấp khẩu trang cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ tại ga đến quốc tế sân bay Phú Quốc. Triển khai thực hiện áp dụng tờ khai y tế đối với tất cả hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc tại tất cả các cửa khẩu.
Tỉnh xây dựng kịch bản 3 tình huống dịch bệnh xảy ra gồm: Chưa có trường hợp bệnh; xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam và Kiên Giang; dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Từ diễn biến cụ thể của 3 tình huống này, tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó dịch bệnh như: Truyền thông, giám sát, dự phòng, điều trị, hậu cần…
Bác sĩ Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang cho hay: Sở Y tế tổ chức các đội cơ động phản ứng nhanh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang và các trung tâm y tế huyện, thành phố. Phối hợp với ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền đến tận người dân, hướng dẫn cách phòng ngừa lây bệnh, thông tin chính xác để người dân không chủ quan, nhưng không hoang mang, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống hàng ngày. Sở tập huấn công tác sàng lọc, điều trị, chống nhiễm khuẩn cho tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh; tập huấn hoạt động giám sát, truyền thông, cách ly tại cộng đồng cho các đơn vị y tế dự phòng.
Tỉnh chỉ đạo Sở Y tế Kiên Giang phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục tổ chức kiểm tra, giám sát việc chuẩn bị phòng chống dịch tại bệnh viện đa khoa tỉnh và các địa bàn trọng điểm, nhất là Phú Quốc và Hà Tiên; tập trung giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu quốc tế Phú Quốc và Hà Tiên. Nếu có trường hợp có triệu chứng rõ rệt thì chuyển ngay về trung tâm y tế để điều trị, xét nghiệm…; nếu các triệu chứng chưa rõ ràng hướng dẫn khách đến khách sạn hoặc nơi đăng ký lưu trú và tổ chức giám sát trong vòng 14 ngày tiếp theo. Trong trường hợp dịch bệnh lan rộng, tỉnh chọn Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần làm cơ sở thu dung, quản lý người bệnh, huy động toàn bộ nhân lực y tế, trang thiết bị tham gia ứng phó với dịch bệnh.
Sở Y tế Kiên Giang đề nghị tỉnh đầu tư mua một máy đo thân nhiệt từ xa loại di động để đo thân nhiệt tại các cửa của sân bay Phú Quốc; 10.000 bộ quần áo chống dịch; 2 máy thở có thiết bị khử khuẩn; 1 xe chuyên dụng vận chuyển bệnh; dung dịch sát khuẩn tay nhanh, vật tư, hóa chất, thuốc phòng chống dịch; hoàn thiện hệ thống oxy của Bệnh viện Lao và bệnh phổi…
* Liên quan tới công tác ứng phó với dịch nCoV, Bác sĩ Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, mặc dù tỉnh Đắk Lắk chưa ghi nhận trường hợp nào nghi nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, nhưng ngành Y tế đã tổ chức đồng bộ các biện pháp phòng chống để chủ động ứng phó với dịch bệnh.
Cụ thể, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng tổ chức phân loại người bệnh ngay tại các cơ sở khám, chữa bệnh; Phân luồng và bố trí buồng khám riêng đối với người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt), đặc biệt lưu ý khi có yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày; thực hiện công tác tiếp nhận người bệnh theo phân tuyến điều trị, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm bệnh và tử vong; khi có trường hợp bệnh nghi ngờ, phải được tiếp nhận, theo dõi, cách ly và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên; khi có diễn tiến nặng hoặc được xác định dương tính với virus nCoV, thực hiện chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị theo đúng phân tuyến.
Bác sĩ Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, nhằm chủ động ứng phó với dịch, bệnh viện đã thành lập một khu tiếp nhận và khám cách ly, cấp cứu đối với các bệnh nhân bị nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Sau khi thăm khám, những trường hợp nghi ngờ sẽ được di chuyển theo một lối đi riêng từ khu khám đến khu điều trị cách ly ở Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện.
Bên cạnh đó, trong trường hợp phải điều trị bệnh nhân nhiễm virus nCoV, bệnh viện cũng lên phương án vận chuyển máy móc, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh và nhân viên y tế vào làm việc tại khu cách ly để hạn chế việc di chuyển bệnh nhân, tránh nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng có phương án phun thuốc khử khuẩn tất cả các điểm bệnh nhân đi qua.
* Trước tình trạng một số quầy thuốc, nhà thuốc trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có biểu hiện găm hàng, nhằm đẩy giá bán khẩu trang y tế lên cao, ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu khẳng định, trên địa bàn không thiếu mặt hàng khẩu trang y tế. Cá nhân, tổ chức phát hiện đơn vị, cơ sở nào cố tình găm hàng, tăng giá, đề nghị báo cáo cơ quan chức năng để xử lý, tuyệt đối không để lợi dụng dịch bệnh trục lợi bất chính.
Ông Nguyễn Minh Trung, Cục trưởng Cục quản lý thị trường Bạc Liêu cho biết, đơn vị đã thành lập 5 đội Quản lý thị trường nhằm tăng cường kiểm tra các quầy thuốc, nhà thuốc trên địa bàn. Qua kiểm tra, nếu phát hiện đơn vị, cơ sở nào cố tình găm hàng, nâng giá bán khẩu trang y tế sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, liên tục trong những ngày qua, đặc biệt trong hai ngày 31/1 và ngày 1/2, nhiều nhà thuốc lớn ở thành phố Bạc Liêu, như Nhà thuốc Minh Khai, Nhà thuốc Ngọc Yến báo “cháy” hàng khẩu trang y tế. Những nơi còn hàng, giá bán đẩy lên gấp nhiều lần so với ngày thường. Cụ thể, nếu như những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, mỗi hộp khẩu trang y tế gồm 50 chiếc ( loại 4 lớp) giá bán 40.000 đồng/hộp, loại 3 lớp giá chỉ 30.000 đồng/hộp. Đến chiều 31/1, loại khẩu trang này có giá bán từ 70.000- 150.000 đồng/hộp, như: Nhà thuốc Tuyết Thảo (đường Võ Thị Sáu, phường 3), giá bán 150.000 đồng/hộp; Nhà thuốc Sơn Tùng (đường Hoàng Diệu, phường 1), Nhà thuốc Ngọc Trân (đường 23/8, phường 8)… giá bán 100.000 đồng/hộp.
Không những vậy, một số nhà thuốc không bán số lượng hộp mà chia nhỏ từng cái, nếu quy ra hộp 50 cái thì có giá lên đến 200.000 đồng/hộp, tăng gấp 5-7 lần so với ngày thường. Trước tình trạng trên, người dân tỉnh Bạc Liêu mong muốn cơ quan chức năng tỉnh này cần có biện pháp kiểm soát giá bán khẩu trang y tế, không để nâng giá, loạn giá như hiện nay, đồng thời có biện pháp xử lý các cơ sở bán khẩu trang y tế găm hàng, đẩy giá tăng cao nhằm trục lợi bất chính.