Trao kỷ niệm chương cho ba chuyên gia nước ngoài hỗ trợ Việt Nam phòng chống HIV/AIDS

Nhằm ghi nhận những đóng góp của các chuyên gia đối với ngành y tế nói chung và công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam nói riêng, chiều 25/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ trao Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho bà Marie-Odile Emond, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV và AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam; ông John Michael Blandford, Giám đốc và bà Paula Morgan, Phó Giám đốc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Bộ Y tế tổ chức lễ trao Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: PV/Vietnam+

Trong thời gian qua ngành y tế Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ hỗ trợ và ủng hộ của các tổ chức quốc tế, chuyên gia đến từ các tổ chức và từ các nước trên thế giới để giúp ngành y tế trong các lĩnh vực dịch tễ học, y tế dự phòng... Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, việc trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân” cho các chuyên gia là để ghi nhận công lao của các cá nhân đã có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao và bày tỏ lời cảm ơn chân thành về những đóng góp cao cả của người bạn đồng nghiệp trong suốt thời gian qua, đã kề vai, sát cánh cùng Bộ Y tế và Cục Phòng, chống HIV/AIDS đấu tranh không mệt mỏi cho sự thành công của công cuộc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Điển hình là các vấn đề về điều phối nguồn lực, hỗ trợ chính sách, tham vấn đối với các cơ quan của chính phủ để hình thành nên những chiến lược phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua

Ba cá nhân nhận kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” là những người có nhiều đóng góp cho sự thành công của công cuộc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Bà Marie-Odile Emond (sinh năm 1966, quốc tịch Bỉ), đảm nhiệm vị trí Giám đốc Quốc gia của UNAIDS tại Việt Nam từ năm 2017. Trong thời gian công tác tại Việt Nam, bà đã góp phần củng cố, tăng cường công tác điều phối ở cấp quốc gia như điều phối hoạt động của các nhà tài trợ để vận động nguồn lực và tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực tài trợ cho Việt Nam nhằm hỗ trợ về điều phối phòng, chống HIV/AIDS với Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Bà Marie-Odile Emond đã vận động hỗ trợ Việt Nam xây dựng các văn bản pháp luật và các chính sách trong lĩnh vực phòng, chống HIV.

Trong vai trò Giám đốc quốc gia của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông John Michael Blandford đã tham gia vào hoạt động của các chương trình đầu tư của CDC tại Việt Nam. Ông khởi xướng và tiên phong trong việc sử dụng các kết quả K=K (Không phát hiện = Không lây truyền) cho các ưu tiên về sức khỏe cộng đồng HIV trong toàn bộ chuỗi đa bậc HIV. Những nỗ lực của ông  John Michael Blandford đã góp phần quan trọng đưa CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt vị trí tiên phong trong việc thực hiện các chương trình PEPFAR trên toàn cầu (PEPFAR là chương trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hoạt động dưới sự chỉ đạo của Văn phòng Điều phối AIDS Toàn cầu).

Bà Paula Morgan, trong thời gian giữ vị trí Phó Giám đốc quốc gia của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã cùng với Giám đốc Quốc gia, đồng chỉ đạo việc xây dựng 4 kế hoạch hoạt động quốc gia hàng năm (COPs) của Chương trình PEPFAR và CDC giai đoạn 2016-2020 để đảm bảo nguồn tài trợ cho chương trình HIV cho Việt Nam thông qua việc thiết lập các ưu tiên về khoa học và kỹ thuật, rà soát và thiết lập lại các mục tiêu hàng năm cho các hoạt động tìm ca và bắt đầu điều trị HIV.

Tại buổi lễ, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Ngành Y tế Việt Nam sẵn sàng mở cửa, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức quốc tế với mong muốn hợp tác quốc tế, phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng mong muốn, trong thời gian tới các chuyên gia, tổ chức nước ngoài tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đối với công tác hợp tác quốc tế, ngành Y tế Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam để cùng chung tay chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Với những nỗ lực của ngành y tế, các bộ ngành liên quan và sự phối hợp tích cực của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia quốc tế, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030. Đến thời điểm này, Việt Nam là một trong những điểm sáng trên toàn thế giới trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Liên tục từ 2008 đến nay, số các ca nhiễm và tử vong liên tục giảm. Việt Nam cũng là một trong 4 quốc gia có tỷ lệ tuân thủ điều trị tốt nhất. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đưa ra nhiều giải pháp rất quan trọng trong việc hình thành những chiến lược 90-90-90 để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.

Ngọc Bích (TTXVN)
Tạo cơ sở pháp lý toàn diện nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS
Tạo cơ sở pháp lý toàn diện nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 47, chiều 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm hệ thống miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN