Theo đó, trong 16 trường hợp mắc sởi có 68,8% trẻ dưới 2 tuổi; 93,8% trẻ dưới 5 tuổi; 84,6% trẻ từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ. Như vậy, số ca bệnh sởi tập trung ở lứa tuổi dưới 5 tuổi và có thể khẳng định những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ là đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh phối hợp với OUCRU, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện Nhi Đồng 1 thực hiện khảo sát miễn dịch cộng đồng đối với bệnh sởi. Kết quả cho thấy tỷ lệ trẻ từ 9 tháng đến dưới 5 tuổi cư trú trên địa bàn thành phố có kháng thể phòng bệnh sởi chỉ đạt 86%. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc duy trì tỷ lệ tiêm 2 mũi vaccine sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã thực hiện đánh giá nguy cơ bùng phát dịch sởi theo Bộ công cụ đánh giá nguy cơ bùng phát dịch sởi của Tổ chức Y tế thế giới áp dụng cho quy mô thành phố và quận, huyện thì kết quả cũng cho thấy, toàn thành phố ở mức nguy cơ rất cao; ở quy mô quận, huyện có 2 quận, huyện nguy cơ rất cao là quận Bình Tân và huyện Hóc Môn, nguy cơ cao là huyện Củ Chi; các quận, huyện còn lại thì nguy cơ trung bình.
Sở Y tế nhận định, nguy cơ dịch sởi sẽ bùng phát và lan rộng toàn thành phố nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Hoạt động tiêm chiến dịch sẽ góp phần quan trọng hạn chế ca mắc và tử vong do bệnh sởi. Trên thực tế, có đến 93,8% bệnh nhân sởi năm nay là trẻ em dưới 5 tuổi.
Theo đó, ngày 20/6, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có tờ trình gửi UBND TP Hồ Chí Minh về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1 - 5 tuổi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2024.
Vaccine được đề xuất tiêm trong chiến dịch là vaccine phối hợp phòng bệnh sởi - rubella. Đây là vaccine đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Thời gian thực hiện chiến dịch bắt đầu từ tháng 7 - 9/2024.