TP Hồ Chí Minh: Số ca mắc COVID-19 mới và nhập viện gia tăng, đẩy mạnh tiêm vaccine trong tháng 8

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, gần đây, số ca mắc COVID-19 mới và nhập viện đang có khuynh hướng gia tăng so với những tuần trước đó. Ngành y tế khuyến cáo người cao tuổi, người có bệnh lý nền cần tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ để hạn chế khả năng nhập viện và giảm tử vong.

Số ca mắc COVID-19 nhập viện tăng gấp đôi

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, ngày 2/8, tại khoa Nhiễm D Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đang điều trị cho 20 bệnh nhân COVID-19, trong đó có một bệnh nhân thở máy xâm lấn, có lọc máu.

Chú thích ảnh
Hiện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đang điều trị cho 20 trường hợp mắc COVID-19 nặng.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, những tuần trước, khoa chỉ tiếp nhận 8 - 10 bệnh nhân, nhưng trong tuần này, số ca mắc COVID-19 đã tăng gấp đôi. Hiện trong khoa đang điều trị cho 20 ca COVID-19, trong đó có 2 ca ở tỉnh khác.

“Tại khoa Nhiễm D có 70 giường dành điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 20 giường hồi sức. Mặc dù số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng nhưng bệnh viện luôn chuẩn bị sẵn sàng số giường bệnh để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là số giường hồi sức cấp cứu", bác sĩ Nguyễn Thanh Phong khẳng định.

Ngoài ra, các bệnh nhân COVID-19 nhập viện chủ yếu có bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, thận mạn, người lớn tuổi, một số có bệnh lý suy giảm miễn dịch, ung thư… trong đó có một số bệnh nhân lớn tuổi chưa tiêm vaccine hoặc tiêm vaccine chưa đủ.

Chú thích ảnh
Một trường hợp phải thở máy do có có các bệnh lý nền kèm theo.

Không chỉ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, tại một số bệnh viện khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng trở lại trong thời gian gần đây. Cụ thể, tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), nếu như trong tháng 6, bệnh viện này chỉ ghi nhận 5 - 7 ca mắc COVID-19 thì trong tháng 7 số ca mắc tăng lên 19, trong đó có 3 trường hợp nhập viện và một trường hợp chuyển lên tuyến trên.

Tương tự, tại Bệnh viện Quận 8, trong tháng 7 cũng ghi 1 - 2 trường hợp mắc COVID-19 phải nhập viện, trong khi đó trong tháng 6 không có trường hợp nào phải nhập viện. Đa phần những trường hợp nhập viện đều là những bệnh nhân có bệnh lý nền, không có trường hợp nặng.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca mắc COVID-19 mới tại Thành phố đang có khuynh hướng gia tăng. Cụ thể, nếu như ngày 23/7, Thành phố có 83 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 9 ca nhập viện thì đến ngày 27/7, số ca mắc mới tăng lên 156 ca, trong đó có 21 trường hợp nhập viện.

Tăng số điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ

Trước tình hình số ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng có xu hướng gia tăng, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong cho rằng, các bệnh viện địa phương có giường bệnh nên có phương án, chuẩn bị khu riêng tiếp nhận, cách ly bệnh nhân nhẹ; đối với các ca nặng có thể liên hệ các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, các bệnh viện nhi để hội chẩn chuyên môn, tránh chuyển viện không an toàn.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh chọn tháng 8 là tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ.

Các chuyên gia y tế cho rằng, hiện vaccine phòng COVID-19 vẫn có hiệu lực phòng biến chứng nặng và tử vong đối với biến thể mới. Ngoài ra, việc tiêm vaccine giúp giảm thiểu gánh nặng quá tải cho ngành y tế và việc giảm tỷ lệ nhiễm có thể hạn chế sự xuất hiện của những biến chủng mới.

“Đối với người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, có bệnh lý nền cần tiêm vaccine đầy đủ, đặc biệt là mũi nhắc lại để hạn chế khả năng nhập viện, giảm tử vong", bác sĩ Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại của trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi chỉ mới đạt 19,86% và tỷ lệ tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 46,9% và 24,3%. Bên cạnh đó, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 1/8, Thành phố đã tiêm được tổng cộng 22.673.922 mũi (bao gồm 8.547.915 mũi 1; 7.627.107 mũi 2; 686.828 mũi bổ sung; 4.617.972 mũi nhắc lần 1 và 1.194.100 mũi nhắc lần 2).

Chú thích ảnh
Người cao tuổi và mắc các bệnh lý nền cần tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.

Trước tình hình dịch COVID-19 đang gia tăng, để bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em ở lứa tuổi từ 5 đến dưới 18 tuổi, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã chọn tháng 8 là tháng cao điểm tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em để chuẩn bị cho trẻ đến trường nhập học.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong tháng cao điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ, Sở Y tế sẵn sàng điều động nhân sự để hỗ trợ mở thêm nhiều điểm tiêm tại địa phương. Các địa phương cần chủ động tổ chức tiêm, phấn đấu trong tháng 8, gia tăng số lượng trẻ đến tiêm tăng gấp 3 - 4 lần so với các tháng trước.

Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu 3 bệnh viện chuyên khoa nhi của Thành phố (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố) luôn sẵn sàng các đội tiêm để tăng cường số điểm tiêm và số bàn tiêm cho tất cả các quận, huyện và thành phố Thủ Đức; đồng thời, yêu cầu Trung tâm Cấp cứu 115 Thành phố sẵn sàng bố trí các xe cấp cứu tại các khu vực có điểm tiêm.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng tăng cường truyền thông cho người dân về sự cần thiết của tiêm vacicne phòng COVID-19 trong giai đoạn hiện nay, nhất là trẻ em và người thuộc nhóm nguy cơ.

Ngày 2/8, tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành về tăng cường công tác phòng, chống dịch và tiêm chủng phòng COVID-19, Bộ Y tế cho rằng, hiện tốc độ tiêm vaccine COVID-19 ở một số địa phương vẫn chưa đạt tiến độ theo yêu cầu, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; thậm chí có tình trạng né tránh tiêm vaccine ở một bộ phận người dân.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19, hoàn thành sớm nhất kế hoạch đề ra; nhất là việc tiêm vaccine mũi 3, 4 cho từng nhóm đối tượng; tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế và không để vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng phối hợp với các cơ quan truyền thông, chính quyền các cấp tăng cường công tác truyền thông, không để người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và chủ động thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch, như: đeo khẩu trang, khử khuẩn, vệ sinh môi trường; đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong để khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Bài và Video: Đan Phương/Báo Tin tức
Bộ Y tế: Đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng COVID-19, không được lãng phí vaccine
Bộ Y tế: Đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng COVID-19, không được lãng phí vaccine

Tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành về tăng cường công tác phòng, chống dịch và tiêm chủng phòng COVID-19, diễn ra ngày 2/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chỉ rõ những khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống dịch hiện nay. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN