TP Hồ Chí Minh đang là địa phương có số ca mắc sởi cao nhất cả nước. Từ đầu năm đến nay, Thành phố đã ghi nhận hơn 500 ca và 3 ca tử vong do mắc sởi. Trước tình hình số ca bệnh sởi nhập viện tại các cơ sở y tế không ngừng gia tăng, trong khi năm học mới đã cận kề, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh công bố dịch sởi.
Về vấn đề này, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: "Việc công bố dịch trước hết phải dựa theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định, trong trường hợp số ca mắc vượt quá trung bình cùng kỳ của 3 năm được gọi là dịch. Nếu 2 xã trở lên có dịch có thể công bố dịch ở huyện, nếu 2 huyện trở lên có dịch có thể công bố ở tỉnh và 2 tỉnh trở lên có thể công bố ở cấp quốc gia”.
Dịch bệnh được định nghĩa là thảm họa khi vượt ngưỡng, việc công bố dịch cần căn cứ theo khả năng đáp ứng và nguồn lực của địa phương và tuân thủ theo Luật Phòng thủ dân sự.
Ngay từ đầu năm, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi, để chuẩn bị ứng phó với đợt bùng phát dịch năm nay. Mặc dù số ca mắc tại đây đã vượt so với trung bình cùng kỳ của 3 năm trước đó, nhưng TP Hồ Chí Minh đã có sự chuẩn bị sẵn sàng. Vì vậy, việc TP Hồ Chí Minh có công bố dịch hay không là do địa phương đánh giá năng lực chống dịch cần được huy động nguồn lực nhiều hơn, tổ chức biện pháp chặt chẽ hơn. Trong trường hợp này, địa phương có thể quyết định công bố dịch.
Theo Thông tư do Bộ Y tế vừa ban hành, khi địa phương công bố dịch, vaccine và tất cả nguồn lực phải do địa phương sử dụng 4 tại chỗ; Trung ương sẽ không hỗ trợ vaccine, vì khi đã công bố dịch, địa phương phải chủ động được vaccine để chống dịch.