TP Hồ Chí Minh nhiều trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn

Ngày 1/8, Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết trong thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp rắn lục đuôi đỏ cắn.

Mới đây nhất ngày 31/7, vào khoảng 9 giờ sáng, ông T.M.T ( sinh năm 1954, ngụ phường Tân Phú, Quận 9) là nhân viên bảo vệ cho một trường đại học trên địa bàn thành phố, có cơ sở tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào tay trong lúc đang phát quang, dọn dẹp cây cỏ ở trong khuôn viên trường.

Từ đầu năm tới nay, bệnh viện ghi nhận có nhiều trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn.

Các bác sĩ cho biết, ông T.M.T nhập viện trong tình trạng còn tỉnh, tiếp xúc được, vết thương rắn cắn ở ngón áp út bàn tay phải đã sưng to. Sau khi sơ cứu và truyền huyết thanh, thuốc kháng sinh, đồng thời làm xét nghiệm cho bệnh nhân tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân được chuyển tiếp sang khoa Hồi sức tích cực chống độc A để tiếp tục theo dõi và điều trị. 


Sau hơn một ngày điều trị tại đây, sức khỏe bệnh nhân đã dần ổn định, vết thương do rắn cắn đã không còn sưng. Dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.


Trước đó vào đầu tháng 7, Bệnh viện quận Thủ Đức cũng đã kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân H.D.D (sinh năm 1943) ngụ tại phường Hiệp Bình Chánh bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi đang hái lá chùm ngây ở gần nhà. Được biết, xung quanh nơi ở của bệnh nhân này cũng có rất nhiều cây bụi, nơi trú ẩn ưa thích của loài rắn độc này.


Bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng, khoa Hồi sức tích cực chống độc A cho biết từ đầu năm tới nay, khoa ghi nhận có nhiều trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn tại Thủ Đức và khu vực giáp ranh, vì vậy bà con phải hết sức đề phòng để không bị rắn cắn.


Đối với trường hợp khi đã bị rắn lục đuôi đỏ cắn, bệnh nhân chỉ nên rửa sạch vết thương, có thể nẹp cố định chi bị cắn, sau đó chuyển đến cơ sở y tế gần nhất, càng nhanh càng tốt. Không nên tự ý buộc dây ga-rô chặt ở vị trí rắn cắn, bởi vì việc buộc dây ga-rô kéo dài có thể làm cho chỗ tổn thương sưng nề nặng hơn, dẫn đến hoại tử chi về sau.


Bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng khuyến cáo thêm, người dân nên thường xuyên dọn dẹp xung quanh nhà, cắt ngắn cây cỏ, phát quang bụi rậm, bởi đây có thể là nơi trú ngụ của nhiều loài rắn. Khi dọn dẹp nên mặc quần dài, áo dài tay, đi ủng, mang bao tay loại dày, trùm kín vùng đầu, cổ, mặt, đeo kính bảo hộ, khua gậy dài trước khi dọn cỏ.


Giữ nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ. Diệt chuột và các loại côn trùng vì chúng là những con mồi yêu thích của rắn lục đuôi đỏ.


Đan Phương/Báo Tin tức
Phân biệt rõ con sam - con so để phòng tránh ngộ độc chết người
Phân biệt rõ con sam - con so để phòng tránh ngộ độc chết người

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Vùng ven biển nước ta có hai con vật rất giống nhau, đó là con sam và con so. Cả hai con này đều sống chủ yếu ở vùng ven biển, trong các vịnh, đầm nước mặn và các cửa sông, hình thù giống hệt nhau nên dễ gây nhầm lẫn. Nếu nhầm lẫn, người dùng có thể bị ngộ độc, thậm chí tử vong do ngộ độc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN