Nắng nóng, trẻ bú bình có nguy cơ tiêu chảy cao hơn

Trong những ngày nóng nực, trẻ nhỏ rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh tiêu chảy.

Mùa nóng cha mẹ cần giữ vệ sinh để phòng bệnh cho trẻ. Ảnh: TTXVN

Theo TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương, mùa hè nhất là những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao là thời kỳ cao điểm các bệnh về đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ. Tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm là nguyên nhân khiến cho nhiều trẻ phải nhập viện; trong đó chủ yếu là do cha mẹ lơ là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.


Tiêu chảy rất dễ biến chứng nặng gây tử vong vì khi trẻ bị tiêu chảy sẽ dẫn đến mất nước và điện giải, và có thể gây suy dinh dưỡng.


Nguyên nhân gây tiêu chảy:


Cũng theo BS. Hà, trong nhiệt độ môi trường cao, các yếu tố nguy cơ dễ khiến trẻ bị tiêu chảy như: Chưa chú trọng vệ sinh các dụng cụ, đồ cho trẻ ăn, vì thế trẻ bú bình thường có nguy cơ tiêu chảy cao gấp nhiều lần so với trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc không bú bình; cho trẻ ăn thức ăn nấu để lâu ở nhiệt độ phòng, thức ăn bị ô nhiễm trước và sau khi chế biến, nước uống không đảm bảo vệ sinh. 


Bên cạnh đó, việc xử lý chất thải không đúng cách, không rửa tay trước khi cho trẻ ăn... cũng là nguyên nhân quan trọng gây tiêu chảy trong mùa nóng.


Cách phòng bệnh:


Để phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ, cah mẹ cần chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh tay, xử lý chất thải đúng quy định. Ngoài ra, các gia đình cần sử dụng kháng sinh dự phòng khi du lịch vào vùng có nguy cơ cao.


Bộ Y tế cũng khuyến cáo: Người dân cần ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Bên cạnh đó, người dân cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Người già, trẻ em, người có bệnh mãn tính cần tĩnh dưỡng ở nơi mát mẻ, hạn chế ra ngoài trời nắng nóng.


Tại gia đình, cha mẹ cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày với trẻ như: Đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.


Đặc biệt, cha mẹ không được chủ quan khi thấy những biểu hiện mất nước ở trẻ như: Môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc. Khi thấy trẻ có dấu hiệu tiêu chảy cấp cần phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.


Kịp thời bổ sung nước, điện giải cho trẻ bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, bú nhiều, cho trẻ uống dung dịch Oresol pha theo đúng tỷ lệ hướng dẫn.

TN/Báo Tin tức
Sẽ báo cáo UBND thành phố Hà Nội về xử lý xe 3 bánh tự chế vào tháng 9
Sẽ báo cáo UBND thành phố Hà Nội về xử lý xe 3 bánh tự chế vào tháng 9

Trong tháng 9/2018, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội sẽ báo cáo UBND thành phố về việc rà soát, thống kê để nghiên cứu, xây dựng lộ trình cũng như đề xuất các giải pháp quản lý, xử lý xe 3 - 4 bánh tự chế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN