TP Hồ Chí Minh: Giữ lại Bệnh viện dã chiến 13, 14 và 16 để sẵn sàng cho các tình huống

Chiều 11/10, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh sẽ giữ lại 3 bệnh viện dã chiến là Bệnh viện dã chiến 13, 14 và 16 để sẵn sàng cho các tình huống xảy ra theo mô hình tháp 3 tầng.

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch tiếp nhận các trung tâm hồi sức COVID-19 do các bệnh viện Trung ương thành lập sau khi nhân lực Bộ Y tế của các bệnh viện này rút về.

Ba bệnh viện dã chiến số 13, 14 và 16 là những bệnh viện được thành lập mới và không liên quan đến các khu tái định cư và có các trung tâm hồi sức do bệnh viện Trung ương đảm trách.

Chú thích ảnh
Dự kiến mỗi quận, huyện và thành phố Thủ Đức sẽ có một bệnh viện dã chiến với quy mô 300-500 giường.

Cụ thể, Bệnh viện dã chiến số 13 gắn với Trung tâm hồi sức Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức; Bệnh viện dã chiến số 14 gắn với Trung tâm hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện dã chiến số 16 gắn với Trung tâm hồi sức Bệnh viện Bạch Mai.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã đề xuất với UBND TP Hồ Chí Minh phân công các bệnh viện có thể đảm nhận khi các lực lượng trung ương rút về. Theo đó, Bệnh viện Đại học Y Dược tiếp nhận Trung tâm hồi sức của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Nhân dân Gia định tiếp nhận Trung tâm hồi sức của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận Trung tâm hồi sức của Bệnh viện Trung ương Huế. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục phân công bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… luân phiên làm việc để các trung tâm này tiếp tục hoạt động, đảm bảo không bị gián đoạn.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cũng cho biết thêm, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo mỗi quận, huyện thành lập một Bệnh viện dã chiến với 300 – 500 giường, có 30 - 50 bình oxy sẵn sàng đáp ứng khi cần thiết. Ba bệnh viện hồi sức là bệnh viện dã chiến thực hiện mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng sẽ duy trì. Với các bệnh viện đã chuyển đổi công năng, từng bệnh viện có một đơn vị hoặc khoa điều trị COVID-19; khám sàng lọc, thu dung điều trị sau đó chuyển cho các bệnh viện 3 tầng.

Tính từ 17 giờ ngày 10/10 đến 17 giờ ngày 11/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.527 trường hợp nhiễm mới tại TP Hồ Chí Minh, tăng hơn 400 trường hợp so với ngày trước đó.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, hiện các bệnh viện đang điều trị 15.198 bệnh nhân, trong đó có 1.141 trẻ em dưới 16 tuổi, 533 bệnh nhân nặng đang thở máy, 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 10/10, có1.925 bệnh nhân xuất viện nhưng chỉ có 906 bệnh nhân nhập viện. Trong ngày cũng ghi nhận 73 trường hợp tử vong.

Tổng số mũi vaccine phòng COVID-19 đã triển khai tiêm đến ngày 10/10 là 12.288.283 mũi, trong đó tổng số mũi 1 là 7.065.722, mũi 2 là 5.222.561.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, theo y khoa, những trường hợp tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 chỉ giảm triệu chứng và nguy cơ tử vong khi mắc bệnh chứ không bảo vệ hoàn toàn không bị mắc bệnh, do đó Thành phố vẫn thực hiện chiến lược xét nghiệm tầm soát COVID-19.

Theo đó, Thành phố đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động xét nghiệm thích ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay và hướng dẫn của Bộ Y tế. Hoạt động xét nghiệm dự kiến sẽ tập trung cho việc giám sát phát hiện các ca bệnh mới, điều tra dịch tễ, giám sát định kỳ các khu vực nguy cơ.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh: Tất cả các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đề nghị công bố kiểm soát dịch
TP Hồ Chí Minh: Tất cả các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đề nghị công bố kiểm soát dịch

Chiều 11/10, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, sau 10 ngày thực hiện Chỉ thị 18, đã có 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đề nghị công bố đã kiểm soát được dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN