Tiếp tục chủ động phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới nổi

Năm 2023, dịch COVID-19 và các loại dịch mới nổi vẫn là thách thức lớn đối với ngành Y tế. Song song đó, ngành Y tế tiếp tục củng cố năng lực y tế cơ sở, đẩy mạnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng tới xây dựng một trung tâm y tế chuyên sâu ngang tầm khu vực. 

Đây là những nội dung chính của “Định hướng phát triển và các hoạt động trọng tâm của ngành Y tế thành phố trong năm 2023” do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố.

Chú thích ảnh
Tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ em tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Đan Phương/Báo Tin tức

Theo Sở Y tế, tình trạng miễn dịch cộng đồng tại Thành phố đã đạt được ở mức cao, đồng thời với nỗ lực bao phủ vaccine phòng COVID-19, số ca mắc, số ca nặng và tử vong do COVID-19 trên địa bàn tiếp tục được kiểm soát ở mức rất thấp. Tuy nhiên, các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn liên tục xuất hiện trên thế giới, diễn tiến dịch vẫn còn phức tạp, khó dự đoán, đòi hỏi không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Bên cạnh đó, các bệnh không lây, đặc biệt là các bệnh mắc phải do hành vi, lối sống không lành mạnh sẽ tiếp tục là gánh nặng đối với sức khoẻ của người dân. Người mắc các bệnh này cần phải được phát hiện sớm, được điều trị và quản lý tốt.

Ngành Y tế Thành phố sẽ tiếp tục chủ động hơn nữa trong phòng, chống dịch bệnh, phát hiện kịp thời và kiểm soát hiệu quả, không để bùng phát và lan rộng; đồng thời triển khai chăm sóc và quản lý bệnh không lây dựa vào cộng đồng và phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Công tác phát hiện và chăm sóc người mắc bệnh tâm thần, nhất là bệnh trầm cảm đang có khuynh hướng gia tăng sau đại dịch COVID-19 cũng là một hoạt động ưu tiên sẽ được ngành Y tế đẩy mạnh triển khai.

Năm 2023 cũng là năm mà ngành Y tế cùng UBND các quận huyện và thành phố Thủ Đức đẩy nhanh việc cải tạo, nâng cấp 146 trạm y tế xã, phường từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ; củng cố năng lực của tuyến y tế cơ sở bằng việc ưu tiên triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin và y tế thông minh, góp phần tạo niềm tin cho người dân khi đến trạm y tế khám, chữa bệnh ban đầu; tiếp tục triển khai chương trình thực hành cấp chứng chỉ hành nghề cho các bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp thực hành tại bệnh viện gắn với thực hành tại trạm y tế. Cùng với đó, ngành triển khai đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương với danh mục thuốc mở rộng hướng về y tế cơ sở nhằm đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho trạm y tế thực hiện khám chữa bệnh ban đầu và chăm sóc bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.

Các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối của Thành phố tiếp tục nỗ lực phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu nhằm không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, hướng tới xây dựng một trung tâm y tế chuyên sâu ngang tầm khu vực.

Ngành Y tế khởi động đề án quan trọng đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI thông qua là xây dựng một Trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao ngang tầm các nước trong khu vực. Đồng thời, ngành đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng y tế thông minh, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế hướng đến sự hài lòng người dân.

Đinh Hằng (TTXVN)
 Trên 60 triệu người được truyền thông phòng, chống dịch COVID-19
Trên 60 triệu người được truyền thông phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 16/12, tại Hà Nội, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tổng kết chiến dịch "Hành trình an toàn".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN