Trước đó, ngày 11/8, bệnh nhân N.H.T.K (22 tuổi, ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng tím tái, ngừng hô hấp tuần hoàn. Người nhà bệnh nhân cho biết, chiều 11/8, anh N.H.T.K đi nhổ răng tại một phòng khám và được gây tê bằng một loại thuốc.
Sau khi tiêm thuốc tê khoảng 15 phút, bệnh nhân khó thở kiểu nuốt nghẹn, mệt, tái mặt dần và được xử trí bằng 3 - 4 ống adrenalin tiêm bắp. Sau đó, anh K được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom trong tình trạng ngưng tuần hoàn hô hấp. Các y, bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ép tim, dùng thuốc, đặt nội khí quản và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất thực hiện ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng qua nội khí quản, dùng thuốc. Sau khi hồi sinh tim phổi thành công, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Tim mạch can thiệp để đặt máy tạo nhịp tim tạm thời rồi chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực. Tại đây, bệnh nhân tiếp tục được cho thở máy, truyền kháng sinh, hội chẩn toàn viện để đưa ra hướng xử trí tiếp theo.
Đến ngày 16/8, bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, sốt cao từng cơn, mạch dao động từ 120 - 140 lần/phút… tiếp tục được điều trị tích cực, lọc máu liên tục. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chẩn đoán, bệnh nhân ngưng hô hấp tuần hoàn đã hồi sinh, phù não lan tỏa, block tim hoàn toàn độ 3 đã được đặt máy tạo nhịp, phản vệ độ 4 nghi do thuốc tê, viêm phổi, suy đa cơ quan.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân trước khi nhổ răng phải thông báo đầy đủ tiền sử bệnh, các loại thuốc đang sử dụng; trước khi gây tê cần kiểm tra tiền căn dị ứng xem có dị ứng với thành phần nào của thuốc hay không. Người dân phải lựa chọn các cơ sở y tế chuyên khoa tin cậy để thực hiện và có những biện pháp xử trí kịp thời các tình huống có thể xảy ra.