Người chờ, người ‘bấm bụng’ tiêm dịch vụ
Sau hai lần gọi điện thoại lên Trạm y tế để hỏi tiêm vaccine 5 trong 1 cho con gái hơn 2 tháng tuổi, chị Nguyễn Thị Giang (ngụ thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) nhận được câu trả lời là vaccine 5 trong 1 tại Trạm y tế đã hết và chưa biết khi nào sẽ có lại.
“Bây giờ thời tiết thay đổi, xuất hiện nhiều dịch bệnh ở trẻ, tôi không biết đến khi nào mới Trạm y tế có vaccine để tiêm cho con. Lỡ trong lúc đợi con bị bệnh thì càng khổ hơn, vì vậy tôi đành đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ để phòng bệnh sớm cho con”, chị Giang nói.
Tương tự, chị Đào Minh Hồng (ngụ Quận 5) cho biết, Trạm y tế khu vực chị ở cũng đã hết vaccine 5 trong 1 và chưa biết khi nào có vaccine trở lại. Nhân viên y tế tại Trạm đã gợi ý chị nên tiêm chủng dịch vụ để không gián đoạn mũi tiêm. “Rút kinh nghiệm từ đứa đầu không được tiêm vaccine đầy đủ, hay bị bệnh vặt nên đứa thứ 3 này dù khó khăn, tôi vẫn quyết cho bé tiêm đúng lịch để phòng bệnh chứ không chờ đến khi trạm y tế có vaccine”, chị Hồng chia sẻ.
Trong khi đó, vợ chồng anh Phạm Đình Dương dù rất muốn đưa con 2 tháng tuổi đến Trung tâm tiêm chủng VNVC để tiêm dịch vụ vaccine 6 trong 1 nhưng do kinh tế khó khăn, vợ chồng anh đành đợi khi nào ở Trạm y tế có vaccine miễn phí mới tiêm. Trong lúc chờ, vợ chồng anh Dương cho con uống vaccine phòng ngừa bại liệt trước.
“Tôi cũng biết là nếu con không được tiêm đầy đủ vaccine thì sẽ dễ bị bệnh, nhưng tiêm một mũi vaccine ở ngoài chi phí lên đến cả triệu đồng nên đành phải chờ. Khi nào có vaccine miễn phí, tôi đưa bé đi tiêm. Trong lúc chờ có vaccine để phòng bệnh, tôi sẽ cố gắng vệ sinh sạch sẽ, chú ý hơn ăn uống để tăng sức đề kháng cho con”, chị Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.
Bác sĩ Phạm Huy Hoàng, Trưởng Trạm y tế phường Trường Thọ (thành phố Thủ Đức) cho biết, từ cuối tháng 4, Trạm đã hết vaccine 5 trong 1 và vaccine 3 trong 1. Kể từ khi vaccine 5 trong 1 hết, việc triển khai tiêm ngừa tại Trạm cũng gặp một số khó khăn. Cụ thể, khi trẻ ra Trạm tiêm thì bác sĩ tư vấn uống vaccine bại liệt trước, còn vaccine 5 trong 1 thì chờ đến khi có mới tiêm. Tuy nhiên, khi trẻ đã được uống vaccine bại liệt rồi thì tiêm dịch vụ cũng khó bởi tiêm dịch vụ là vaccine 6 trong 1, trong đó đã có phòng bại liệt.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, nếu hết vaccine 5 trong 1, trẻ có thể được tiêm vaccine 6 trong 1 để thay thế, tiết kiệm công sức và thời gian cho phụ huynh. Bởi vaccine 6 trong 1 là loại vaccine phối hợp phòng được nhiều bệnh nhất trong một mũi tiêm với 6 loại bệnh. Nếu tiêm 6 trong 1, trẻ không cần phải bổ sung thêm mũi vaccine bại liệt hoặc viêm gan B như tiêm 5 trong 1.
“Hiện nay, hệ thống tiêm chủng VNVC đang có đầy đủ các loại vaccine quan trọng cho trẻ để trẻ tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi. Song song đó, để giúp các phụ huynh tiết kiệm chi phí hơn khi tiêm chủng cho trẻ, VNVC cũng áp dụng nhiều chương trình ưu đãi vaccine quan trọng cho trẻ ”, bác sĩ Bạch Thị Chính khẳng định.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ ngày 15/5, các cơ sở tiêm chủng tại Thành phố đã hết hoàn toàn vaccine 5 trong 1 và DPT. Các loại vaccine khác trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng chỉ còn với số lượng rất hạn chế, dự kiến sẽ hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm. Theo đó, đến giữa tháng 6/2023 sẽ hết vaccine lao (BCG); đến tháng 7/2023 sẽ hết vaccine bại liệt (bOPV) và vaccine sởi; đến tháng 8/2023 sẽ hết vaccine uốn ván và đến hết tháng 9/2023 sẽ hết vaccine sởi và rubella.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại cộng đồng
Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ thấp, trẻ tiêm chủng không đầy đủ khiến miễn dịch cộng đồng giảm, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguy cơ quay trở lại và bùng phát trên diện rộng.
Bác sĩ Phạm Huy Hoàng cho rằng, khi vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng thiếu, một số phụ huynh khó khăn về kinh tế sẽ không cho con tiêm vaccine dịch vụ mà sẽ chờ vaccine trong chương trình. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, trẻ dễ bị bệnh và nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại cộng đồng. Điển hình như trước đây đã từng xảy ra đối với bệnh bạch hầu do tỷ lệ tiêm ngừa thấp.
Trong khi đó, bác sĩ Bạch Thị Chính cũng cho biết, nhờ Chương trình Tiêm chủng mở rộng, số ca mắc bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib ở trẻ nhỏ đã giảm mạnh. Tuy nhiên, các bệnh này chưa được loại trừ hoàn toàn, có thể lây nhiễm cho trẻ bất cứ lúc nào và nguy hiểm tính mạng trẻ.
"Chẳng hạn trẻ dưới 3 tháng tuổi mắc bạch hầu có thể tự nhiên ngưng thở, suy nhiều cơ quan, biến chứng nhanh lên não, phổi, đặc biệt là gây viêm cơ tim. Bệnh viêm gan B gây nhiều biến chứng như xơ gan, suy gan cấp, ung thư gan, đồng thời là bệnh có tỉ lệ lưu hành cao ở Việt Nam. Bên cạnh đó, tiêu chảy cấp do virus Rota là một bệnh nhiễm trùng đường ruột rất nặng, thường phổ biến ở trẻ từ 3 đến 7 tháng tuổi. Do vậy, cần phải tiêm chủng ngay cho trẻ khi đến lịch. Trường hợp lịch tiêm chủng bị gián đoạn, trẻ cần phải được tiêm bù trong thời gian sớm nhất. Đặc biệt, các liều tiêm nhắc lại sẽ giúp phát huy gần như tối đa khả năng bảo vệ của vaccine đối với trẻ”, bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, vaccine thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe trẻ em và kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng. Để tạo được sự bảo vệ tốt nhất cho trẻ, vaccine cần phải được tiêm đúng lịch và đủ liều. Trường hợp lịch tiêm chủng bị gián đoạn thì trẻ cần phải được tiêm bù sớm nhất khi có thể.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ còn thấp so với quy định. Tính đến hết tháng 4/2023, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 77,3%, tuy nhiên mục tiêu của chương trình phải đạt 95%.
Đối với trẻ tiêm mũi nhắc lại 18 tháng cũng không đạt. Cụ thể, số trẻ tiêm sởi chỉ đạt tỉ lệ 78,8%, trong khi quy định phải đạt 95% và DPT4 mục tiêu là phải đạt 85%, nhưng tỷ lệ tiêm chỉ đạt 70,5%.