Chị L.N.H.T (25 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) đến Bệnh viện Da liễu khám trong tình trạng môi sưng nề, bầm tím, sờ có khối căng cứng. Bệnh nhân cho biết, do vùng môi có nhiều nếp nhăn, trước đó có đến một spa gần nhà để tiêm filler xóa nhăn. Tại đây, chị được nhân viên spa tư vấn tiêm 1ml filler Hàn Quốc với giá 3,5 triệu đồng để làm đầy môi. Ngay sau tiêm, thấy môi phù nề nhẹ, hơi đau nhức, chị đã báo với nhân viên spa và được trả lời đây là “tình trạng bình thường sau tiêm filler”. Qua 3 ngày, môi chị T căng cứng và phù nề ngày càng nhiều hơn, chị ra nhà thuốc mua giảm sưng về uống nhưng tình trạng không cải thiện.
Trường hợp thứ 2 là chị T.H (30 tuổi, ngụ tại Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng nhập viện trong tình trạng môi sưng to, đau nhức, có khối cứng lổn nhổn bên dưới môi. Trước đó, chị H đến một spa ở Vũng Tàu và được tư vấn tiêm 0.5ml filler với giá 2,5 triệu đồng. “Ngay sau khi tiêm, tôi thấy môi hơi sưng nề. Khoảng một tiếng rưỡi sau, tôi thấy đau nhức ngày càng tăng nên gọi cho nhân viên spa và được tư vấn ngậm thuốc giảm đau, chườm đá. Tuy nhiên, sau hai ngày, tình trạng này vẫn không cải thiện, ngược lại ngày càng đau nhức nhiều hơn, môi sưng to, căng cứng, có cảm giác muốn nứt. Tôi đến Bệnh viện Da liễu để khám”, chị H thông tin.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, Trưởng Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vùng môi của cả hai bệnh nhân trên đều bị sưng phù, căng cứng, có mủ trắng bên dưới cho thấy tình trạng nhiễm trùng cấp với mức độ viêm khá nặng. Nguyên nhân có thể do cơ sở spa không tuân thủ kiểm soát nhiễm khuẩn lúc tiêm, thực hiện vô trùng không đúng cách khiến vi khuẩn xâm nhập vào nơi tiêm. Ngoài ra, việc sử dụng các loại chất làm đầy kém chất lượng, trôi nổi trên thị trường, sản phẩm sản xuất, đóng gói không đảm bảo vô trùng cũng có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng. Bên cạnh đó, việc chọn lựa sai loại chất làm đầy hay tiêm quá nhiều trong một lần điều trị cũng có thể gây căng tức, đau nhức vùng môi, thậm chí chèn ép mô, chèn ép mạch máu gây thiếu máu, nặng nề có thể dẫn đến hoại tử. Cả hai bệnh nhân sau đó được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chăm sóc vết thương hằng ngày. Sau 3 ngày, tình trạng vết thương cải thiện đáng kể.
Theo bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, tiêm chất làm đầy là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ được đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm. Người tiêm nếu không có kỹ thuật tốt có thể gây tai biến như tắc mạch, hoại tử da, loét da, áp xe… Nguy hiểm hơn, các ổ nhiễm trùng vùng hàm mặt dễ lan tràn lên nền sọ gây viêm não, màng não. Đây là biến chứng nặng và rất nguy hiểm, có thể để lại những di chứng rất nặng nề về thần kinh.
Theo thống kê, trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng 10 - 15 trường hợp tai biến do tiêm chất làm đầy. Nhiều trường hợp tai biến nặng phải phẫu thuật để lấy hết filler ra, chi phí khá tốn kém và mất nhiều thời gian để phục hồi. Di chứng sau phẫu thuật có thể tạo sẹo xấu và mất mô da gây ảnh hưởng thẩm mỹ.
Bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú lưu ý, người dân khi chọn cơ sở thực hiện phải đảm bảo các yếu tố như: Chất làm đầy phải chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng, được Bộ Y tế cấp phép; cơ sở thực hiện phải được cấp phép thực hiện kỹ thuật tiêm filler; người thực hiện phải là bác sĩ da liễu, thẩm mỹ, được đào tạo bài bản về kỹ thuật tiêm chất làm đầy; lựa chọn kỹ thuật tiêm phù hợp, mỗi khu vực có định lượng rõ ràng và tuyệt đối phải đảm nguyên tắc về vô trùng.