Hoại tử ngực, mông, mũi… do tiêm chất làm đầy
Mới đây, tại khoa Phẫu thuật thẩm mỹ bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận một bệnh nhân tiêm chất làm đầy vào ngực tại một cơ sở spa tại Bình Dương, gây viêm tấy toàn bộ vùng ngực, gây mủ áp xe 2 bên và phải mổ cấp cứu. Qua lời kể của bệnh nhân, với mong muốn có bộ ngực căng tròn, ngại phải phẫu thuật nên chị đã được cơ sở spa tư vấn nâng ngực bằng cách tiêm silicon vào ngực liên tục trong một tháng. Theo đó, từ tháng 5 đến tháng 6/2019, chị đã tiêm silicon vào ngực 4 lần với chi phí 22 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó thấy vùng ngực khó chịu, đỏ tấy, chị đã lên TP Hồ Chí Minh để khám và điều trị.
GS.TS.BS Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trường hợp bệnh nhân này không thể lấy hết được các chất bơm vào trong cơ thể được mà chỉ điều trị viêm tấy và lấy mủ ra.
Tương tự, mới đây tại bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc cũng tiếp nhận một Việt kiều Mỹ (31 tuổi) bị hoại tử, sưng to vùng mông sau hai ngày tiêm chất làm đầy tại một cơ sở làm đẹp ở TP Hồ Chí Minh. Theo lời kể bệnh nhân, chị đã chi hơn 100 triệu đồng để tiêm filler làm đầy mông ở một spa tại TP Hồ Chí Minh. Mỗi bên mông được tiêm khoảng 100 ml, sau 2 ngày, vùng mông bên phải sưng to và đau nhức nhiều.
TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc bệnh viện thẩm mỹ JW Hàn Quốc, cho biết bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng hoại tử lan rộng, nằm rải rác ở vùng mông. Sau một tuần tiêm kháng sinh, vùng hoại tử gom lại thành một ổ lớn, bác sĩ đã hút ra khoảng 200 ml dịch mủ. Tiếp tục tiêm kháng sinh thêm một tuần, bệnh nhân được hút thêm 100 ml dịch mủ. Dựa theo kết quả chụp CT cắt lớp cho thấy, bệnh nhân được tiêm filler vào cơ nên một số vùng cơ bị hoại tử không thể hồi phục.
“Theo đúng kỹ thuật, filler phải được tiêm vào lớp biểu bì, mô mỡ dưới da. Nếu tiêm sai vào mạch máu có thể gây thuyên tắc, chèn ép mạch và dẫn đến một số biến chứng như mù mắt, đột quỵ… Tiêm vào cơ có thể gây hoại tử, nhiễm trùng", TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung cho biết thêm.
Cũng theo TS.BS Dung, đối với filler, thường chỉ được dùng với lượng nhỏ để làm đầy các vùng má hay mặt. Theo đó, vùng mông được khuyến cáo không sử dụng vì đòi hỏi lượng tiêm nhiều, có thể gây viêm nhiễm, chèn ép mạch máu rất nguy hiểm. Bệnh nhân cần chọn chất làm đầy chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ tay nghề cao, hiểu rõ kỹ thuật thực hiện… nhằm tránh nguy cơ “tiền mất tật mang”.
Dù các bác sĩ đã liên tục cảnh báo về những biến chứng nguy hiểm trong việc làm đẹp từ những cơ sở làm đẹp không được cấp phép, nhưng nhiều người vẫn bất chấp để làm đẹp tại những cơ sở này thông qua giới thiệu từ người quen hoặc quảng cáo trên trang mạng xã hội. Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân bị tai biến trong hoặc sau quá trình can thiệp thẩm mỹ ngày càng tăng.
GS.TS.BS Đỗ Quang Hùng cho biết hầu như tháng nào khoa tạo hình thẩm mỹ của bệnh viện cũng tiếp nhận trường hợp bị tai biến trong việc tiêm các chất làm đầy từ các cơ sở spa, các tiệm làm tóc… Các tai biến thường gặp do tiêm chất làm đầy từ các cơ sở không phép có thể gây đột quỵ, liệt, thuyên tắc phổi, tắc mạch…
Chiêu trò quảng cáo lôi kéo khách hàng
Chất làm đầy là một loại chất có thể làm trẻ hóa da, làm đầy các vùng lõm và có rất nhiều loại như silicon, acid hyaluronic… Hiện nay, những chất làm đầy được quảng cáo có nguồn gốc xuất xứ tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… Nắm bắt được nhu cầu làm đẹp bằng phương pháp tiêm các chất làm đầy nên các thẩm mỹ viện, spa cho đến các tiệm làm tóc đều thi nhau quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội với các từ ngữ rất “mỹ miều”: Tạo má baby, môi mọng, da căng bóng như da em bé, xóa nếp nhăn, nâng mũi… không cần phẫu thuật, không cần trải qua các cơn đau… Giá quảng cáo thực hiện phương pháp này từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng cho một lần tiêm. Để tạo thêm độ tin tưởng, nhiều cơ sở spa thường sử dụng nhiều diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo.
Một trong những “chiêu trò” được các cơ sở spa quảng cáo nhiều nhất trên các trang mạng xã hội hiện nay đó là những hình ảnh chủ những cơ sở spa mặc quần áo lộng lẫy tham gia các buổi hội thảo từ trong nước, đến quốc tế. Hoặc những hình ảnh, chứng chỉ đạt các giải thưởng làm đẹp và được bác sĩ nổi tiếng của Hàn Quốc đào tạo, mặc lên những chiếc áo blouse khiến khách hàng lầm tưởng là bác sĩ thẩm mỹ…
TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung cho hay, điều kiện xét đối tượng tham gia những buổi hội thảo chuyên ngành về thẩm mỹ rất chặt chẽ, chỉ các bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc các bác sĩ chuyên ngành có liên quan mới được tham dự do các kiến thức chuyên sâu. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều cuộc hội thảo được tổ chức ra với mục đích cho những cơ sở spa tham gia để lấy chứng chỉ, chụp hình với các bác sĩ được quảng cáo nổi tiếng đến từ nước ngoài nhằm tăng độ tin cậy với khách hàng.
“Những buổi hội thảo này thường không cần xem xét điều kiện về chuyên môn, chỉ cần nộp vài trăm đến một triệu là có thể tham gia. Cũng không ít lần tôi cũng được mời đến tham dự những buổi hội thảo như thế này để thuyết trình. Tuy nhiên, khi hỏi về thành phần tham dự tôi đã từ chối vì không muốn tiếp tay cho những đối tượng lợi dụng hình ảnh làm ảnh hưởng đến ngành thẩm mỹ”, bác sĩ Dung chia sẻ.
Cũng theo TS.BS Dung, hầu hết những khách hàng đến điều trị những biến chứng sau khi tiêm các chất làm đầy ở các cơ sở spa đều không biết những chất tiêm vào cơ thể là chất gì nên khi điều trị, rất khó tìm ra được chất giải. Bên cạnh đó, khi khách hàng thắc mắc về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thì những cơ sở này thường ít khi cung cấp thông tin hoặc đưa ra những tên rất lạ để “vô tư đẩy giá”.
Bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Trịnh Quốc Khanh cho biết, nhiều người nghĩ rằng việc tiêm các chất làm đầy là một thủ thuật rất đơn giản nên thường tìm đến những cơ sở được bạn bè giới thiệu, hoặc theo quảng cáo trên mạng xã hội để thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện thủ thuật này không hề đơn giản, chỉ những bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề mới được thực hiện phương pháp này.
Nhiều bác sĩ cũng cho rằng, việc xử phạt hành chính đối với các cơ sở spa, thẩm mỹ viện vi phạm không làm cho họ e ngại bởi lợi nhuận rất lớn. Các đơn vị này sẵn sàng nộp phạt cũng như tái phạm, thậm chí nếu bị rút giấy phép, họ sẽ tìm cách mở lại cơ sở khác. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo nếu thấy có xuất hiện những dấu hiệu lạ sau khi tiêm chất làm đầy, bệnh nhân cần được đưa ngay đến bệnh viện để được xử lý kịp thời, tốt nhất là trong vòng 60 phút sau khi tiêm vào cơ thể. Bên cạnh đó, trước khi thực hiện một phương pháp làm đẹp nào, người dân cũng cần phải tìm hiểu về phương pháp đó và tìm những cơ sở thẩm mỹ uy tín được cấp phép của ngành y tế.