Tại đây, 182 cá nhân đã được trao Giấy công nhận, logo biểu trưng Danh hiệu “Công nhân, Điều dưỡng, Kỹ thuật viên, Hộ sinh giỏi” ngành Y tế Thủ đô, vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi năm 2024.
Ngành Y tế Hà Nội có trên 14.000 điều dưỡng, với hơn 10.000 người là nữ (hơn 80%), còn lại 15% là điều dưỡng nam, công tác trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành. Các đơn vị sản xuất kinh doanh, hành nghề y, dược tư nhân hiện đang quản lý gần 5.000 người lao động, trong đó trên 70% là công nhân và người lao động trực tiếp.
Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội Trịnh Tố Tâm, hầu hết đội ngũ điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên là những người lao động trực tiếp, tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; có các yếu tố nguy cơ, rủi ro.
Tuy nhiên, đây cũng là đội ngũ có thu nhập thấp, chế độ đãi ngộ còn nhiều bất cập; điều kiện làm việc, đời sống gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, trong thời gian qua, dù cương vị nào, lĩnh vực nào, đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên luôn cố gắng khắc phục khó khăn, không ngừng phấn đấu vươn lên, đóng góp công sức của mình vào hoạt động chuyên môn của đơn vị, góp phần vào thành tựu chung của ngành Y tế.
Đội ngũ công nhân lao động ở khối sản xuất kinh doanh chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động của đơn vị. Đây là đội ngũ lao động tham gia trong dây chuyền sản xuất, kinh doanh thuốc và các sản phẩm y tế. Mỗi sản phẩm đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người nên mỗi người công nhân đều thực hiện nghiêm túc các quy định của chuyên môn, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, học tập, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tìm tòi, sáng kiến, sáng tạo để nâng cao hiệu quả, chất lượng của sản phẩm. Nhiều sáng kiến, cải tiến đã được áp dụng, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học với sự tham gia của người lao động được ứng dụng trong thực tế đã góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, góp phần vào hoạt động kinh doanh của đơn vị.
Thời gian qua, mặc dù ngành Y tế Hà Nội gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong giai đoạn ảnh hưởng của hậu đại dịch COVID-19, toàn thể đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động ngành Y tế Hà Nội đã chủ động vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn; đồng thời tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, “Sáng kiến, sáng tạo”, “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”… qua đó đã động viên, khích lệ, nâng cao ý thức trách nhiệm, chuyên môn tay nghề cho người lao động để đạt năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tháng 5 là Tháng Công nhân, có ngày “Điều dưỡng thế giới” 12/5, các đơn vị trong toàn ngành Y tế đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở để chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động, nhất là đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục một số khó khăn, hạn chế về một số chế độ chính sách điều dưỡng và người lao động trực tiếp còn bất cập, mức thu nhập của điều dưỡng, người lao động trực tiếp còn thấp, chưa bảo đảm với nhu cầu cuộc sống; công tác thi đua khen thưởng tại một số đơn vị chưa thực sự quan tâm tới người lao động trực tiếp…, thời gian tới, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội và Công đoàn cơ sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của các phong trào thi đua yêu nước.
Công đoàn các cấp tiếp tục tập huấn, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ đoàn viên, người lao động; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng, nhân rộng gương điển hình tiên tiến, quan tâm tới đối tượng lao động trực tiếp để động viên, khuyến khích phong trào thi đua phát triển, đạt kết quả thực chất, trong đó, chú trọng tới công tác khen thưởng đột xuất những cá nhân có những hành động, việc làm tốt có tính lan tỏa trong xã hội và cộng đồng.