Thẩm mỹ 'chui' - Chế tài xử phạt chưa đủ răn đe​

Thời gian qua, việc các cơ sở chăm sóc da thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép diễn ra khá phổ biến trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Hậu quả của thẩm mỹ “chui” là ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của người dân, thậm chí dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, theo Sở Y tế Thành phố, việc quản lý đang gặp nhiều khó khăn do pháp luật chưa có quy định cụ thể về biển hiệu, dễ gây hiểu nhầm; trong khi đó, hình phạt chưa đủ sức răn đe.

Đăng ký chăm sóc da nhưng thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép

Mới đây, một cô gái 25 tuổi đã tử vong sau khi đến Trung tâm thẩm mỹ Key Beauty Center (địa chỉ 154/9 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh) đốt mỡ vùng 2 cánh tay và ngực trái. Sau khi vụ việc xảy ra, Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã vào cuộc và phát hiện Trung tâm này không có giấy phép hoạt động. Đáng chú ý, cơ sở này đã “bốc hơi” sau khi xảy ra trường hợp khách hàng tử vong. Chủ cơ sở đã chuyển đi nơi khác; chỉ còn lại một số dụng cụ y tế cho thấy nơi đây có thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ như: giường phẫu thuật, ống nghe, kim tiêm, nhiều loại vật tư y tế khác...

Trước đó, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp với Phòng Y tế Quận 1 kiểm tra cơ sở ShinHan - tinh hoa thẩm mỹ Hàn Quốc (213 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, Quận 1). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do UBND Quận 1 cấp với ngành nghề chăm sóc da. Tuy nhiên, đoàn phát hiện có 1 hóa đơn đã thực hiện dịch vụ tiêm filler cho khách hàng. Trên website: vienthammyshinhan.com cũng có đăng tải quảng cáo các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.

Thanh tra Sở Y tế cũng phối hợp Phòng Y tế Quận 10 kiểm tra cơ sở Viện sắc đẹp Sora Luxury (số 550, đường Ba Tháng Hai, Phường 14, quận 10). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do UBND Quận 10 cấp với ngành nghề chăm sóc da. Tuy nhiên thực tế, đoàn phát hiện cơ sở có dụng cụ phẫu thuật, thuốc, vật tư y tế, hồ sơ khách hàng thực hiện các dịch vụ trong lĩnh vực y tế như: tiêm filler, botox, căng chỉ bụng, nâng mũi… cùng với các đơn thuốc phẫu thuật mí, nâng mũi - độn cằm. Thanh tra Sở Y tế yêu cầu cơ sở ngừng hoạt động thẩm mỹ trong lĩnh vực y tế.

Vi phạm tương tự cũng xảy ra tại Viện Sắc đẹp Eri's (188 Ba Tháng Hai, Phường 12, Quận 10). Cơ sở này cũng có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do UBND Quận 10 cấp với ngành nghề chăm sóc da. Tuy nhiên, Đoàn phát hiện tại phòng chăm sóc da có các chất làm đầy, thuốc, các hồ sơ khách hàng, phiếu dịch vụ thực hiện dịch vụ cấy chỉ, botox, các đơn thuốc phẫu thuật thẩm mỹ, đơn thuốc căng chỉ…

Nhập nhằng, khó kiểm soát

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định của pháp luật, các cơ sở cung ứng các dịch vụ làm đẹp được chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 là cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng. Những cơ sở dạng này được phép hoạt động không cần điều kiện quy định về y tế, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp (đăng ký kinh doanh hộ gia đình) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp (đăng ký kinh doanh công ty), không cần Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động; hoàn toàn không được phép sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì. Song thực tế, Thanh tra Sở Y tế đã từng phát hiện và xử lý những cơ sở chăm sóc da thuộc nhóm này lén lút triển khai phẫu thuật hút mỡ với thuốc gây tê. Và trường hợp tử vong do sốc phản vệ mới đây cũng do sử dụng thuốc gây tê.

Nhóm 2 là các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da. Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp. Tuy nhiên, để hoạt động hợp pháp, điều kiện bắt buộc là người thực hiện kỹ thuật phun, xăm, thuê phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp. Các cơ sở phun, xăm trên da phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định gửi về Sở Y tế để được công khai trên cổng thông tin điện tử. Theo quy định của pháp luật, các cơ sở này không được phép sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Thực tế, Thanh tra Sở từng phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở làm đẹp thuộc nhóm này đã lén lút triển khai phẫu thuật thẩm mỹ.

Nhóm 3 là những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người. Ngoài giấy phép kinh doanh do UBND quận, huyện cấp hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, các cơ sở này bắt buộc phải được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Theo thống kê của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn có 20 bệnh viện thẩm mỹ, 28 bệnh viện đa khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 226 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (thuộc nhóm 3); 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da (thuộc nhóm 2) và nhiều cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng (thuộc nhóm 1). Tuy nhiên, việc chưa có quy định chi tiết hướng dẫn về biển hiệu của các cơ sở cung ứng dịch vụ làm đẹp gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước và người dân. Hiện nay, hầu hết các biển hiệu của các cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp đều chọn tên “Thẩm mỹ viện…” hay “Viện thẩm mỹ…” dễ khiến người dân hiểu nhầm là cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép. Thực tế, qua thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp (bao gồm các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da), lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nghiêm một số cơ sở sử dụng thuốc tê dạng tiêm và cung cấp các dịch vụ làm đẹp trái phép.

Trước thực tế đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, các phòng y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức tiếp tục tăng cường tham mưu cho UBND quận, huyện triển khai quyết liệt hơn các giải pháp giúp quản lý chặt, kịp thời phát hiện và ngăn chặn người hành nghề, các cơ sở hành nghề làm đẹp trái phép trên địa bàn. Các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các quảng cáo quá phạm vi cho phép (quảng cáo trên biển hiệu, quảng cáo trên báo, đài, trên mạng xã hội…). Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng kiến nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan quy định chặt hơn về biển hiệu của các cơ sở làm đẹp; đồng thời tăng các mức xử phạt đủ sức răn đe các hành vi cố tình vi phạm pháp luật.

Đinh Hằng (TTXVN)
Ghi nhận nhiều trường hợp tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ
Ghi nhận nhiều trường hợp tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ

Ngày 22/9, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Dương, Phó trưởng Khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng phải cấp cứu do phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở tư nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN