Tầm soát, sàng lọc trước sinh và sơ sinh - Bài cuối: Đồng bộ các giải pháp can thiệp

Việc triển khai các Chương trình, Đề án về “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” đã giúp phát hiện, can thiệp, điều trị sớm các bệnh, tật ngay từ trong giai đoạn bào thai, sơ sinh.

Qua đó, giúp sinh ra những đứa trẻ bình thường, khỏe mạnh, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, thực tế triển khai các chương trình, Đề án này gặp không ít khó khăn, đặc biệt là tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Chú thích ảnh
Mô hình đào tạo “Cô đỡ thôn bản” tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) thực hiện chăm sóc bà mẹ và trẻ em toàn diện, góp phần giảm tình trạng các bà mẹ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh con tại nhà. Ảnh tư liệu: Dương Ngọc/TTXVN

Nhiều khó khăn, thách thức

Thạc sỹ, Bác sỹ Phạm Hồng Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế chia sẻ, trong hai năm 2020 – 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động dịch vụ kỹ thuật sàng lọc sơ sinh miễn phí bị gián đoạn. Đến năm 2022, ngành Dân số triển khai đồng bộ các giải pháp: Tiếp nối các hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh; hướng dẫn các Trung tâm sàng lọc khu vực và địa phương triển khai các hoạt động sàng lọc; chú trọng xây dựng, hoàn thiện mạng lưới sàng lọc trước sinh và sơ sinh... Tuy nhiên, thực tế triển khai công tác sàng lọc trước sinh, sơ sinh năm 2022 toàn quốc đều không đạt được chỉ tiêu. Cụ thể: Tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát đạt dưới 60%. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát đạt dưới 55%.

Công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh đặc biệt gặp khó khăn tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Nghiên cứu "Những rào cản trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam" do Viện nghiên cứu Phát triển Mekong và Trung tâm nghiên cứu (Trường Đại học Toronto, Canada) được Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc phối hợp với Bộ Y tế hỗ trợ cho thấy, tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trước sinh (khám thai ít nhất 4 lần) thấp hơn 58 điểm phần trăm so với tỷ lệ chung toàn quốc (16% so với 74%), họ cũng ít quan tâm đến sàng lọc sơ sinh.

Theo ông Phạm Hồng Quân, nguyên nhân của những thực trạng nêu trên là do nhận thức của người dân, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, về lợi ích của Chương trình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; sàng lọc trước sinh, sơ sinh còn hạn chế; các nhóm đối tượng chưa chủ động sử dụng dịch vụ.

Mạng lưới cung cấp dịch vụ chưa được bao phủ rộng khắp gây hạn chế cho việc tiếp cận dịch vụ của người dân, đặc biệt ở những vùng khó khăn; một số trường hợp không có kinh phí để thực hiện chẩn đoán sau khi kết quả sàng lọc có nguy cơ cao dị tật thai nhi. Việc sàng lọc trước sinh bằng kỹ thuật siêu âm mới thực hiện đến tuyến huyện; tại tuyến xã thực hiện sàng lọc sơ sinh bằng kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân. Số lượng kỹ thuật cũng như số mặt bệnh được sàng lọc rất ít (sàng lọc trước sinh chủ yếu phát hiện bệnh Down và một số bất thường hình thái; sàng lọc sơ sinh phát hiện bệnh suy giáp trạng và thiếu men G6PD).

Ông Phạm Hồng Quân cho biết, tuy các hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã được triển khai trên toàn quốc, nhưng để duy trì, phát huy kết quả đã đạt được là thử thách không nhỏ. Bộ máy công tác dân số của địa phương thay đổi, nhất là tuyến huyện đã sáp nhập với Trung tâm y tế, các cán bộ làm dân số được phân công làm công việc khác, hoặc chuyển công tác; cán bộ mới chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đối với các mặt bệnh mở rộng cần phải đào tạo tập huấn về tư vấn, kỹ thuật cho cán bộ chuyên khoa khác (khoa tim mạch, tai mũi họng) trong sàng lọc sơ sinh.

Từ năm 2021, sau khi chương trình Mục tiêu Y tế Dân số giai đoạn 2016-2020 kết thúc, các nhiệm vụ của chương trình được chuyển sang nhiệm vụ chi thường xuyên. Vì vậy nguồn kinh phí chi trả cho việc thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho các đối tượng được miễn phí (đối tượng chính sách tại các địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa) sẽ dùng nguồn kinh phí của các địa phương. Tuy nhiên, công tác này đang gặp khó khăn do nhiều địa phương vẫn chưa trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục bệnh để cấp kinh phí; mất thời gian hoàn tất các thủ tục để các trung tâm sàng lọc khu vực miễn phí tiền công xét nghiệm và gửi trả kết quả cho địa phương; công tác thống kê cũng chưa được đầy đủ…

Bên cạnh đó, đầu tư của nhà nước còn hạn chế, chưa có cơ chế để thực hiện xã hội hóa và huy động được các nguồn lực cho việc thực hiện các hoạt động của Chương trình và phát triển những kỹ thuật tiên tiến trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị các bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Mạng lưới cơ sở y tế vừa thiếu và yếu về năng lực chuyên môn để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể, người có uy tín

Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Phạm Hồng Quân cho rằng, để nâng cao, mở rộng các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh, đặc biệt tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, góp phần nâng cao chất lượng dân số cần ban hành danh mục mở rộng các bệnh tật ngoài gói dịch vụ cơ bản phù hợp với trình độ phát triển của khoa học công nghệ, chuyên môn kỹ thuật; rà soát, bổ sung, ban hành quy trình chuyên môn kỹ thuật; quy chuẩn, tiêu chuẩn của cơ sở cung cấp dịch vụ về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh, sơ sinh…

Theo ông Phạm Hồng Quân, trong quá trình tuyên truyền vận động và huy động xã hội, cần chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, thay đổi hành vi của người dân. Bên cạnh đó, biên soạn, cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông; tài liệu tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân, gia đình, đặc biệt trong vùng dân tộc thiểu số. Lồng ghép việc tuyên truyền cấm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong các hoạt động, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, lễ hội.

Bên cạnh đó, vai trò của các tổ chức, đoàn thể, Già làng, Trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cần được phát huy bằng việc tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; đẩy mạnh tư vấn cộng đồng, vận động thanh niên thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; phụ nữ mang thai thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh.

Về phát triển mạng lưới dịch vụ, ông Phạm Hồng Quân cho rằng cần mở rộng khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ có chất lượng; đầu tư hoàn thiện mạng lưới; mở rộng các loại hình cung cấp dịch vụ của các cơ sở y tế trong và ngoài công lập phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn theo hướng bảo đảm mọi người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ cơ bản tại xã; được tư vấn trước, trong và sau khi sử dụng dịch vụ; giám sát chất lượng dịch vụ của các cơ sở y tế, bao gồm cả khu vực ngoài công lập; thí điểm một số can thiệp, mô hình cung cấp dịch vụ tại khu công nghiệp, khu kinh tế và địa bàn có đối tượng khó tiếp cận; ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ. Đặc biệt, cần nghiên cứu, thử nghiệm, phổ biến kỹ thuật mới trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh, sơ sinh; tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn viện trợ và các nguồn tài chính hợp pháp khác…

Ông Phạm Hồng Quân cho biết, hiện tại, các dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh chưa được Bảo hiểm Y tế cũng như các dịch vụ bảo hiểm khác chi trả, chỉ có một số đối tượng chính sách tại các địa bàn miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được sử dụng miễn phí gói dịch vụ cơ bản của Chương trình. Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu trẻ chào đời, theo tính toán, số lượng đối tượng được miễn phí chỉ chiếm 10 -15% tổng số đối tượng cần được sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Danh mục bệnh được miễn phí sàng lọc theo quy định chỉ có 9 bệnh (4 bệnh sàng lọc trước sinh và 5 bệnh sàng lọc sơ sinh) trong khi, dịch vụ tại các Trung tâm sàng lọc có thể đáp ứng sàng lọc hơn 50 bệnh.

Ông Phạm Hồng Quân cho rằng, cần có sự tham gia tự chi trả của đối tượng sử dụng dịch vụ hoặc các tổ chức hỗ trợ đối tượng, cũng như hỗ trợ đơn vị cung cấp dịch vụ bằng nguồn kinh phí hợp pháp. Xã hội hóa chính là mục tiêu, động lực, là chính sách lâu dài cho sự phát triển bền vững của chương trình dân số nói chung và chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh nói riêng.

M.H (TTXVN)
Phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát một số bệnh sơ sinh
Phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát một số bệnh sơ sinh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN