Giám đốc Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ) Lương Kim Phượng cho biết: Theo thống kê từ năm 2013 – 2018, tỷ lệ thai phụ đến khám và tham gia các xét nghiệm sàng lọc trước sinh ngày càng gia tăng, chứng tỏ nhận thức xã hội về tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh ngày càng được nâng cao. Điều này giúp nâng chất lượng dân số vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Với dự toán kinh phí năm 2019 gần 12 tỷ đồng, Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh tập trung đầu tư máy móc hiện đại, nâng cao tay nghề cho bác sĩ chuyên môn. Trên cơ sở đó, Trung tâm đảm bảo đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho thai phụ và trẻ sơ sinh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hạn chế tình trạng khám bệnh vượt tuyến, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Giai đoạn 2013 – 2018, bệnh viện đã khám sàng lọc trước sinh cho gần 60.000 thai phụ, phát hiện gần 5.000 ca có nguy cơ mắc bệnh, 366 ca nặng phải đình chỉ thai kỳ. Đây là các trường hợp thai dị tật nặng không thể nuôi sống được, do thai nhi có bất thường về hệ thần kinh, đa dị tật nặng. Tất cả các trường hợp chấm dứt thai kỳ đều được hội chẩn qua Hội đồng chuyên môn...
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế, đề nghị Sở Y tế Cần Thơ cần giám sát chặt chẽ công tác khám sàng lọc trước sinh của các bệnh viện, trung tâm trên địa bàn, nhằm đảm bảo không xảy ra trường hợp lợi dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ để can thiệp giới tính thai nhi; đồng thời, đẩy mạnh mô hình xã hội hóa trong khám sàng lọc trước sinh, đảm bảo cho thai phụ có cơ hội tiếp cận tốt nhất với máy móc, kỹ thuật hiện đại, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước.