Báo cáo trên cho biết trong năm 2018, số ca tử vong do nhiễm HIV đã giảm còn khoảng 770.000 trường hợp, giảm 30.000 ca so với năm trước đó và giảm 33% so với năm 2010 - thời điểm cả thế giới ghi nhận 1,2 triệu ca nhiễm HIV tử vong.
Tuy nhiên, UNAIDS ước tính hiện trên toàn thế giới có 37,9 triệu người đang sống chung với virus nguy hiểm này và đã có kỷ lục 23,3 triệu người bệnh được tiếp cận thuốc kháng HIV (ART).
Bên cạnh thành tích nói trên, báo cáo của UNAIDS cũng đề cập đến yếu kém trong cuộc chiến chống HIV/AIDS trên toàn cầu, đó là trong khi số ca tử vong liên quan đến AIDS tại châu Phi - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nền nhất của căn bệnh này, giảm trong thập kỷ vừa qua, khu vực Đông Âu lại ghi nhận số ca tử vong tăng 5%, Trung Đông và Bắc Phi cùng ghi nhận mức tăng 9%. Số ca nhiễm mới ở các khu vực này cũng có mức tăng lần lượt 29% và 10%.
Trước tình hình này, Giám đốc UNAIDS Gunilla Carlsson nhấn mạnh cần tăng cường vai trò lãnh đạo chính trị cho cuộc chiến xóa số hoàn toàn AIDS. The bà Carlsson, hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này, nếu cộng đồng quốc tế tập trung giải quyết từ gốc, đó là yếu tố con người mà không phải căn bệnh.
Báo cáo nêu rõ hơn 50% các ca nhiễm HIV mới trên toàn cầu thuộc nhóm người nguy cơ cao như người sử dụng ma túy, quan hệ đồng giới, chuyển giới, người làm nghề mại dâm và tù nhân. Và có chưa tới 50% những người trong nhóm này được sử dụng các biện pháp phòng ngừa HIV. Trong năm 2018, toàn thế giới có hơn 160.000 ca nhiễm HIV mới là trẻ em, giảm 41% so với năm 2010, song vẫn nhiều gấp 4 lần so với mục tiêu đề ra.
Báo cáo cũng cảnh báo nguồn quỹ phòng chống HIV/AIDS sụt giảm hiện nay cùng với việc thiếu đi quyết tâm chính trị có thể làm suy giảm tiến bộ trong cuộc chiến chống HIV/AIDS hiện nay. Năm 2018, quỹ chống HIV/AIDS huy động được 19 tỷ USD, thiếu hơn 7 tỷ USD so với con số ước tính cần để đảm bảo cho các chương trình chống HIV/AIDS vào năm 2020.