Đàn khỉ tiêm thử nghiệm vaccine khoẻ mạnh
Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến đảo Rều (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) hay còn gọi là đảo Khỉ để tìm hiểu về công tác chăm sóc đàn khỉ phục vụ công tác nghiên cứu vaccine COVID-19.
Cho thuyền vào đón chúng tôi ra đảo là ông Vũ Công Long, Trại trưởng trại chăn nuôi động vật thí nghiệm thuộc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế).
Đưa chúng tôi đi tham quan, ông Vũ Công Long cho biết: “Đảo Rều gồm hai hòn đảo nhỏ là: Đảo Rều đất và đảo Rều đá được sử dụng hoàn toàn làm nơi nuôi khỉ thí nghiệm. Trên đảo đang nuôi giống khỉ vàng có tên khoa học là Macaca Mulatta chỉ phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Đặc biệt tại đảo Rều đá hiện có 12 chú khỉ được tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19, đang được chăm sóc, theo dõi”.
Tại đảo Rều đá, 12 chú khỉ đã được tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 của Công ty VABIOTECH khoẻ mạnh, nhanh nhẹn.
Tất bật sắp xếp công việc cho khỉ ăn bữa sáng, ông Vũ Công Long cho biết: “Những chú khỉ được dùng thí nghiệm vaccine lần này đều là giống khỉ vàng đã trưởng thành, độ tuổi từ 3- 5 tuổi, nặng 3- 5kg. Để chọn được những con đủ điều kiện tiêm phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt”.
Khi bắt đầu có kế hoạch tiêm thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trên khỉ, nhân viên của Trại chăn nuôi đã chọn lọc những con khỉ từ đàn được nuôi thả tự do tại đảo Rều đất để đưa ra đảo Rều đá chăm sóc riêng. Sau khi hết giai đoạn cửa sổ, những con khỉ này được kiểm tra lại sức khỏe, không có biểu hiện bất thường, không mang mầm bệnh nào khác và mầm bệnh COVID-19 được bắt đầu tiêmvaccine vào tháng 10/2020. Từ khi bắt đầu tiêm vaccine đến nay đã được gần 2 tháng, các chú khỉ vẫn khoẻ mạnh, tăng cân tốt.
Đến nay, sau khi tiêm vaccine, những con khỉ này đều ổn định, không có biểu hiện bất thường. Vết tiêm không nổi u cục, không nổi mề đay, không bị ho sốt, thân nhiệt ổn định, ăn uống bình thường.
Theo ông Phạm Xuân Thái, chuẩn đoán viên bệnh động vật, Phòng thực nghiệm đảo Rều, mốc quan trọng nhất để theo dõi khỉ thử vaccine là 1 tuần sau khi tiêm vì thời gian này, có thể có những phản ứng nhanh. Tuy nhiên, quá trình theo dõi quan sát về sau cũng rất quan trọng để có thể tìm hiểu các phản ứng phụ mới tiến hành đánh giá hoàn toàn tình trạng của con khỉ được tiêm.
“Hàng ngày, vào mỗi buổi sáng, chúng tôi phải vào quan sát từng con khỉ căn cứ vào đặc tính chung của khỉ khi khoẻ mạnh là mắt sẽ rất sáng, thường nghịch ngợm, nhảy nhót quanh lồng. Bên cạnh đó, người chăm sóc phải quan sát xem khỉ có bị tiêu chảy không, đảm bảo tình trạng vệ sinh khu nuôi nhốt như: Rửa dọn máng ăn, cọ rửa khu chuồng nuôi”, ông Phạm Xuân Thái cho biết.
Từ sau khi khỉ được tiêm vaccine, mỗi ngày các nhân viên ở đây phải huy động 2-3 người bắt và giữ khỉ để kiểm tra thân nhiệt, kiểm tra vết tiêm. Vì đây là những chú khỉ trưởng thành, khá nặng, nên quá trình bắt rất khó và rất dễ bị cắn, cào.
Dự kiến, việc theo dõi đàn khỉ tiêm thử nghiệm vaccine sẽ diễn ra trong khoảng 4 tháng. Sau đó, nếu kết quả trên đàn khỉ khả quan, khỉ hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện bất thường, các nhà nghiên cứu chuyên môn sẽ tiến hành lấy máu, đánh giá độ an toàn vaccine, đáp ứng miễn dịch rồi mới tiến hành thử nghiệm trên người.
Quy trình chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ
Việc chăm sóc những chú khỉ khoẻ mạnh, đủ điều kiện thử nghiệm vaccine cũng như chăm sóc đàn khỉ sau tiêm vaccine là những công đoạn vô cùng quan trọng, phải đảm bảo rất nghiêm ngặt.
Quy trình chăm sóc đàn khỉ phải đảm bảo từ vệ sinh môi trường đến chế độ dinh dưỡng và theo dõi sức khoẻ hàng ngày. Mỗi con khỉ được chăm sóc theo dõi trong chuồng riêng.
“Bữa ăn chính của khỉ là gạo lật nấu với đỗ đen và lạc nhân. Đặc biệt, chế độ ăn với những con khỉ tham gia thử nghiệm vaccine còn được chú ý hơn so với đàn nuôi thả tự do. Ngoài 2 bữa ăn cơm, đàn khỉ này còn được bổ sung thêm các loại hoa quả như: Mía, cam, ổi… để tăng cường sức đề kháng, đảm bảo luôn khỏe mạnh trong thời gian thử nghiệm. Tất cả các thực phẩm cho khỉ ăn cũng đều phải có nguồn gốc rõ ràng mới đảm bảo chất lượng đàn khỉ khoẻ mạnh, phòng tránh bệnh tật”, ông Vũ Công Long cho biết.
Không chỉ chăm lo dinh dưỡng đảm bảo cho đàn khỉ, vấn đề nhiệt độ môi trường, chế độ sinh hoạt cho khỉ cũng phải được đảm bảo. Tại khu vực chăm sóc khỉ cũng phải đảm bảo khi trời nóng vào mùa hè thì phải bật quạt cho mát, mùa đông được che bạt kín để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề nuôi dưỡng và chăm sóc đàn khỉ phục vụ nghiên cứu khoa học, ông Vũ Công Long cũng chia sẻ, đến nay chưa ghi nhận trường hợp vaccine gây phản ứng phụ trên khỉ. Hầu hết các thử nghiệm trên khỉ đều có kết quả tốt, không chỉ với vaccine COVID-19 mà kể cả thể với các loại vaccine Việt Nam đã nghiên cứu trước đây.